(HNM) - Mùa hè năm 2015, khi tin tặc người Nga có tên Dmitry Ukrainsky bị bắt giữ tại một khu nghỉ dưỡng Thái Lan, giới chức Mỹ tỏ ra mừng rỡ với hy vọng có thể dẫn độ người này về Mỹ. Động thái này được giới phân tích cho là để “tạo lỗ hổng tạm thời trong lực lượng công nghệ thông tin của Nga”.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Mátxcơva đã thuyết phục Bangkok rằng việc dẫn độ là không hợp lý và Ukrainsky cần phải được xét xử tại Nga. Tới nay, tuy những tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ, nhưng các sự việc kiểu như vậy có ảnh hưởng lớn tới quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia.
Xét ở góc độ khách quan, nỗ lực có phần cực đoan trong việc đối phó với tin tặc của các quốc gia đều xuất phát từ những khó khăn đặc thù. Trước hết, tính chất toàn cầu của internet khiến cho việc truy lùng một đối tượng cụ thể sẽ diễn ra ở nhiều nước cùng lúc. Mặt khác, chế tài hợp tác quốc tế và các khung pháp lý cần thiết đối với việc dẫn độ, xét xử các nghi phạm nhóm này chưa hoàn thiện. Thực tế, riêng việc Chính phủ Mỹ liên tục tiến hành các cuộc “săn lùng” tin tặc Nga thời gian qua cũng như cách thức bắt giữ thường được tiến hành bí mật đã khiến Mátxcơva không hài lòng.
Trong khi đó, các hoạt động xâm nhập gần đây không còn dừng lại ở những phi vụ đánh cắp tiền bạc hay can thiệp vào công việc làm ăn của các doanh nghiệp mà ngày càng mang màu sắc chính trị, có ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống quốc tế và quan hệ đối ngoại của các quốc gia. Ngay trong cuộc bầu cử vừa qua, hệ thống của Ủy ban Dân chủ quốc gia Mỹ bị xâm nhập càng khiến Washington nóng lòng muốn xử lý mạnh tay với vấn nạn tin tặc. Mỹ thậm chí thành lập các lực lượng cảnh sát chuyên trách, sẵn sàng bắt các nghi phạm khi những kẻ này ra nước ngoài, thậm chí chỉ là đi du lịch.
Một ví dụ điển hình là chuyện mật vụ Mỹ hợp tác với cơ quan Tình báo Liên bang Nga (FSB) hồi năm 2009 trong khuôn khổ cuộc điều tra một tin tặc - người bị cáo buộc đã cài đặt các đoạn mã độc vào phần mềm của nhiều doanh nghiệp Mỹ nhằm đánh cắp thông tin thẻ tín dụng. Sau khi thủ phạm được xác định là Roman Seleznev, phía Mỹ đã lần theo mọi dấu vết, nhưng không thể “tóm” được mục tiêu. 5 năm sau, xác định được hóa đơn mua hoa và một vài thông tin khác của Seleznev, an ninh Mỹ mới có thể bắt giữ tên này tại Maldives. Trong nhiều trường hợp khác, các cơ quan chức năng dù có thể xác định được địa chỉ IP hay địa điểm đặt máy tính, nhưng chỉ đích danh thủ phạm vẫn là điều không dễ dàng. Năm 2014, Bộ Tư pháp Mỹ cũng tốn nhiều công sức tiến hành chiến dịch Tovar nhằm vô hiệu hóa hai mạng máy tính toàn cầu được cho là đứng sau nhiều vụ đánh cắp hàng triệu USD từ các doanh nghiệp. Tuy Tovar đã nhận được sự hợp tác, đóng góp của rất nhiều cơ quan tình báo, an ninh trên toàn cầu nhưng cũng không tiến tới kết tội được thủ phạm nào. Trong cuộc chiến đưa tội phạm mạng ra trước vành móng ngựa, những thành công thực sự là điều hiếm hoi cho dù không đến mức vô vọng. Mới trong tuần qua, New York Times cho biết Mátxcơva đã bắt giữ và trục xuất Joshua Samuel Aaron - đối tượng bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy nã từ lâu với cáo buộc đã đánh cắp hàng triệu USD từ các ngân hàng phố Wall.
Như vậy, trong bối cảnh những vụ xâm nhập mạng ngày càng để lại hậu quả nghiêm trọng, gây ra nhiều sóng gió trong quan hệ đối ngoại, việc đẩy mạnh các nỗ lực hợp tác quốc tế trong việc đối phó với những nguy cơ an ninh mạng càng trở nên cấp thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.