Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mâu thuẫn từ cơ chế

Nguyễn Đức| 14/12/2010 07:52

(HNM)- Trong cuộc đối thoại mới đây giữa Bộ GTVT và doanh nghiệp (DN) vận tải, đại diện các DN


Với DN, kinh doanh có lãi là yêu cầu quan trọng. Đương nhiên, quản lý càng chặt chẽ, DN càng gặp nhiều khó khăn hơn. Mới đây, trong cuộc đối thoại giữa Bộ GTVT với các DN do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị sửa đổi nhiều điểm trong các quy định hiện hành, nhất là liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính, tải trọng cầu đường, giấy phép lái xe sơ mi rơmoóc hạng FC... Ông dẫn chứng, theo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính, mỗi hành vi vi phạm chỉ xử phạt một lần, nhưng trong lĩnh vực giao thông có lỗi bị phạt tới ba lần, không chỉ gây phiền hà, rắc rối mà còn có thể dẫn tới nhũng nhiễu.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng Phạm Trọng Thịnh cho rằng, thời gian qua, dự thảo các văn bản đã xin ý kiến góp ý từ cơ sở, nhưng vẫn còn những điểm gây ảnh hưởng tới DN. Cụ thể, quy định muốn chuyển từ bằng C sang FC để lái xe sơ mi rơmooc phải có đủ thâm niên, số ki lô mét lái an toàn gây nhiều khó khăn cho DN. Vấn đề đặt ra ở đây là chỉ cần đủ tuổi và thi đạt lý thuyết, thực hành thì nên cấp giấy phép. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Trung đồng tình và cho rằng nếu áp dụng cứng nhắc sẽ thiếu lái xe sơ mi rơmoóc. Tuy nhiên, với DN vận tải hàng hóa, vấn đề "nóng" hơn là chuyện tải trọng phương tiện. Hầu hết ý kiến cho rằng, quy định tải trọng trên các tuyến đường hiện quá thấp khiến DN rất khó khăn. Ông Lê Hoàng Trung cho biết, quy định tải trọng tại mỗi địa phương khác nhau. Có nơi, trạm cân tải trọng cho phép qua, nhưng vẫn bị lực lượng công an xử lý. Ngành công an xử lý theo nghị định còn ngành giao thông xử lý theo thông tư nên… chẳng biết đường nào mà lần.

Theo đại diện các cục, vụ chức năng của Bộ GTVT những điều phàn nàn của DN mới chỉ xuất phát trên lợi ích của họ. Các văn bản pháp quy nhà nước được xây dựng trên cơ sở quy định của bộ luật, nghị định, bảo đảm cả quyền lợi của Nhà nước và nhân dân. Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông Mai Xuân Hồng cho biết, về tải trọng phương tiện, Thông tư 07 được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo số liệu 141 quốc gia của Hiệp hội Cầu đường thế giới. Hiện trên thế giới cũng không có nhiều nước quy định trọng tải xe container hơn 40 tấn lưu hành. Quy định như vậy để bảo vệ hạ tầng giao thông trước lượng phương tiện ngày càng lớn trong khi nguồn vốn bảo trì, bảo dưỡng đang thiếu. Bộ GTVT dẫn chứng, cùng trên quốc lộ 5, nhưng chất lượng đường hướng Hải Phòng - Hà Nội xuống cấp hơn hẳn hướng ngược lại.

Cục Đăng kiểm cho rằng, kiểm tra chất lượng xe sơ mi rơ moóc là cần thiết, không thể không kiểm tra theo đề nghị của DN. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trịnh Ngọc Giao khẳng định, xe sơ mi rơmooc chỉ không có động cơ (di chuyển phải có đầu kéo) nhưng có đủ hệ thống an toàn. Qua kiểm định cho thấy, tỷ lệ xe sơ mi rơ moóc sử dụng hơn 20 năm không đạt yêu cầu khá cao, nên phải tổ chức kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần với loại xe này là cần thiết để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông. Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Ngọc Thành khẳng định, để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, không thể không có quy định chặt chẽ về việc đón, trả khách. Quy định như vậy sẽ khiến DN nhất là DN làm ăn chộp giật gặp khó khăn, nhưng bảo đảm được quyền lợi của hành khách và Nhà nước. Như vậy, các DN cũng cần quan tâm, chia sẻ lợi ích vì cộng đồng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mâu thuẫn từ cơ chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.