Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mẫu hình tập hợp lực lượng cách mạng dưới cờ Đảng quang vinh

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Lưu| 19/05/2021 06:35

(HNM) - 1. Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên tình yêu quê hương đất nước, lòng tự tôn dân tộc luôn là thứ vũ khí tinh thần bất khả chiến bại. Là một chính đảng vô sản được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dày công xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhạy bén chính trị, vận dụng sáng tạo quan điểm Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, thành lập các tổ chức chính trị, xã hội nhằm tập hợp, giác ngộ, đoàn kết các giai tầng đi theo Đảng, làm nên nghiệp lớn: Giải phóng dân tộc. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là một trong những minh chứng điển hình.

Việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẩn trương tổ chức Hội nghị thành lập Đảng chính là để tránh nguy cơ phân liệt lực lượng lãnh đạo, dẫn đến gây chia rẽ lực lượng quần chúng, chẳng khác nào tự cát cứ phong trào cách mạng. Ngày 18-2-1930, Nguyễn Ái Quốc đã có “Lời kêu gọi gửi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột”, trong đó Người hiệu triệu: “Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng” để đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng, làm cho nước An Nam được độc lập, thành lập Chính phủ công - nông - binh... đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân. Như vậy, trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc đã bao quát tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu phá tan xiềng xích nô lệ.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10-1930), cùng với việc thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Nghị quyết Trung ương lần thứ nhất chỉ rõ: “Trong các Đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về các giới vận động”. Riêng hình thức tổ chức mặt trận từ cuối năm 1930 đến cuối năm 1939 đã có 3 lần thay đổi tên gọi: Hội Phản đế đồng minh; Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương; Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương.

Khi chủ nghĩa phát xít hình thành, phát động Chiến tranh thế giới thứ hai, tình hình trong nước và quốc tế xoay chuyển theo tình huống toàn nhân loại phải đoàn kết đấu tranh chống chiến tranh phát xít, bảo vệ hòa bình, Đảng ta đã mau lẹ thay đổi tư duy chỉ đạo sách lược đấu tranh cho phù hợp. Ngày 19-5-1941, tại Hội nghị Trung ương 8, dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh, Đảng ta đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Một hình thức mới, tên gọi mới của mặt trận được xác lập, mục tiêu tối thượng thì không thay đổi, nhưng đối tượng đấu tranh được khu trú rõ hơn (nhằm vào thực dân, phát xít và phong kiến tay sai, tư sản phản động), đặt mục tiêu dân tộc lên trên hết, mục tiêu giai cấp, dân chủ tạm thời ẩn xuống, nhưng không có nghĩa là bỏ rơi hoặc xa rời mục tiêu giải phóng con người. Vì vậy, Việt Minh đã làm được những điều hệ trọng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, là sức nước nâng con thuyền cách mạng lên đỉnh cao thời đại, làm nên thắng lợi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945, theo đúng phương châm “lấy sức ta giải phóng cho ta”.

2. Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng non trẻ rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Việt Minh tiếp tục là bệ đỡ cho nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Khi Đảng ta buộc phải tuyên bố tự giải tán, tạm thời rút vào hoạt động bí mật, Việt Minh tiếp tục là nguồn nhựa sống cho cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Theo thời gian và theo bối cảnh lịch sử, còn có thêm một số hình thức tổ chức mặt trận, như: Hội Liên Việt (29-5-1946); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10-5-1955); Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20-6-1960); Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (20-4-1968); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 2-1977). Trong những hình thức tổ chức mặt trận nêu trên, Mặt trận Việt Minh vẫn được lưu dấu ấn lịch sử là một bước ngoặt tư duy của Đảng ta trong phát triển lực lượng cách mạng.

Mặt trận Việt Minh đã hoàn thành vai trò, sứ mệnh lịch sử đối với cách mạng Việt Nam, và đã hóa thân vào các hình thức mặt trận tiếp theo, song những bài học lịch sử của Mặt trận Việt Minh vẫn còn rạng ngời giá trị soi rọi tương lai: Dân là gốc, sức dân luôn luôn và mãi là sức nước. Trong bất kỳ tình huống nào, Đảng cũng phải tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, biết sáng tạo các hình thức tổ chức, tập hợp, liên kết, giáo dục, giác ngộ, huấn luyện nhân dân làm cách mạng. Nhân dân, dù trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử ra sao, cũng chỉ có một con đường duy nhất đúng là đi theo Đảng, vững tin vào tôn chỉ, mục đích tối thượng của Đảng, tranh đấu vì độc lập, tự chủ dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Những giá trị bao quát mang tầm nhân loại như vậy đã được thể nghiệm ngay từ thời kỳ Mặt trận Việt Minh cách nay 8 thập kỷ.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có một quan điểm được toàn dân ghi nhận, đó là: Tiếp tục đặt nhân dân vào trung tâm của sự phát triển, dựa vào nhân dân để nuôi dưỡng khát vọng tự lực, tự cường dân tộc.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 chắc chắn thực sự là ngày hội của toàn dân, tái hiện không khí chính trị của Mặt trận Việt Minh trong phong trào phá kho thóc của Nhật, Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, bầu cử Quốc hội đầu tiên ngày 6-1-1946. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang tiếp biến những giá trị cao đẹp của Mặt trận Việt Minh để dựng xây cơ đồ Việt Nam ngày càng tươi sáng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mẫu hình tập hợp lực lượng cách mạng dưới cờ Đảng quang vinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.