(HNM) - Nguy cơ bệnh viện (BV) công bị…
Nhập nhèm công - tư
PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, triển khai thực hiện đổi mới cơ chế tài chính, toàn bộ người nghèo đã được Chính phủ mua bảo hiểm y tế (BHYT) và tăng mức hỗ trợ cho đối tượng cận nghèo là 70%, thay vì 50% như trước đây. Tính đến cuối năm 2011, đã có 64,9% dân số tham gia BHYT (trên 57 triệu người). Hầu hết người nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ dưới 6 tuổi cũng đã được cấp thẻ BHYT. Người tham gia BHYT được tiếp cận dịch vụ y tế ở tất cả các tuyến. Cũng trong năm 2011, các BV đã khám và điều trị ngoại trú cho gần 69 triệu lượt người bệnh có thẻ BHYT, chiếm 52,9% tổng số lượt khám bệnh. Quỹ BHYT được cải thiện đáng kể: năm 2010 và 2011 đã bảo đảm cân đối thu chi, tỷ lệ chi cho y tế là 9,14% ngân sách. Chi y tế bình quân đầu người tăng khá nhanh, từ mức 21 USD (năm 2000) lên 75 USD, tuy vậy, so với Singgapore, mức chi này vẫn thấp hơn khoảng 20 lần (1.404 USD/người/năm) và thấp hơn Thái Lan 2 lần. Mức chi này chỉ cao hơn Lào, Campuchia, Indonexia, Phiplippines.
Người dân ngồi chờ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Cũng theo ông Phạm Lê Tuấn, thực hiện tự chủ là giao quyền nhiều hơn và tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tự hoạch toán, chủ động huy động các nguồn lực cho hoạt động, xóa bỏ bao cấp tràn lan, tách chức năng vừa cung ứng dịch vụ vừa hoàn trả chi phí, tạo nguồn tài chính để bù đắp chi phí và thù lao cho cán bộ, nhân viên y tế. Đến năm 2011, đã có khoảng 65.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và 133 bệnh viện tư nhân hoạt động. Khối y tế tư đã cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và hơn 2% tổng dịch vụ nội trú cho người dân. Trong các BV công, với cơ chế tự chủ tài chính, XHH y tế, mô hình khoa khám bệnh theo yêu cầu, khám dịch vụ, "tự nguyện", "chất lượng cao" đã ra đời. Các hình thức này giúp người bệnh có khả năng chi trả, tiếp cận dịch vụ tốt hơn, được chăm sóc tốt hơn, được lựa chọn bác sỹ, phẫu thuật viên và đặc biệt là tránh phiền hà, giảm thời gian chờ đợi, không phải lo khoản "phí ngầm", "phong bì". Tuy nhiên, dịch vụ này chỉ đáp ứng được nhu cầu của người có khả năng chi trả và thực chất đây là hình thức dịch vụ tư nhân trong BV công. Do vậy, khu vực "tự nguyện" này trở thành "sân sau" của chính những BV công, có thể dẫn đến hành vi tiêu cực là sử dụng cơ sở vật chất và nhân lực công cho các hoạt động tư - ông Phạm Lê Tuấn bày tỏ sự lo ngại.
Ông Dương Huy Liệu, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế y tế Việt Nam cho rằng, XHH chỉ nên là giai đoạn nhất thời, dần dần nên có cơ chế tách bạch để người bệnh không bị phân biệt đối xử ngay trong một môi trường là BV công. Tự chủ tài chính trong BV cần công khai, minh bạch, tránh nhập nhèm công - tư.
"Tự chủ tài chính BV là khía cạnh đổi mới của BV công, nhưng phải toàn diện, bao gồm cả nâng cấp cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và năng lực quản lý của BV. BV tự chủ tài chính không phải doanh nghiệp mà chỉ là tương tự doanh nghiệp. Đó là có hạch toán, áp dụng phương thức thanh toán theo kết quả hoạt động và phải không được chạy theo doanh thu để tránh lạm dụng chỉ định các dịch vụ" - ông Tuấn chỉ rõ.
Nghèo vì viện phí
GS Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, với cơ chế tài chính hiện tại, chi trả cho dịch vụ y tế từ tiền túi của người dân vẫn chiếm đến 49%. Đây là nguyên nhân khiến người dân bị nghèo hóa vì các chi phí y tế. Chỉ khi mức chi xuống khoảng 20-30% thì mới là hợp lý và có thể thoát bẫy nghèo do khám chữa bệnh. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng nhìn nhận, ảnh hưởng của chi trả viện phí sau một đợt điều trị nội trú ngoại khoa ở tuyến trung ương hoặc tuyến tỉnh; điều trị nội khoa ở tuyến trung ương sẽ lập tức đẩy hộ gia đình cận nghèo, người không chi trả BHYT hoặc nguồn chi trả gián tiếp khác xuống bẫy thảm họa do chi trả y tế. Theo ông Khuê, hiện tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế ở nhóm người nghèo thấp hơn nhóm người giàu từ 2,5 đến 4,5 lần.
Trong khi đó, GS Trương Việt Dũng (ĐH Y Hà Nội) cho rằng, cần tăng độ bao phủ BHYT cho người dân, giảm tình trạng tự chi trả từ tiền túi. Tuy nhiên, cần nâng cao vai trò thực tế của BHYT vì hiện tại nhiều chi phí vẫn nằm ngoài danh mục chi trả của BHYT. "Họ vẫn phải chi các khoản: thuốc ngoài danh mục, tiền đi lại khi khám chữa bệnh. Đặc biệt, quy định cùng chi trả 5% ở nhóm người nghèo có BHYT có thể gây khó khăn về tài chính cho họ" - ông Dũng lưu ý.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tài chính y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là hướng tới BHYT toàn dân. Nhưng, để công bằng trong chăm sóc sức khỏe và tiếp cận dịch vụ y tế, ngành y đòi hỏi cao hơn về đạo đức nghề nghiệp. Để tránh các chỉ định quá mức khi tự chủ tài chính, phương thức chi trả khám chữa bệnh đang chủ yếu theo phí dịch vụ cần chuyển sang chi trả theo định suất. Ngoài việc lo nguồn thu, các BV đồng thời phải nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. "Hiện nay, tại nhiều BV còn tình cảnh người đứng ngồi la liệt chờ đợi mệt mỏi, giấy tờ chồng chất, không thể chấp nhận" - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.