Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Mặt người mặt hoa”

Trà My| 01/03/2013 06:30

(HNM) -


Cuốn sách là sự tiếp nối của “Đánh đường tìm hoa” (đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội năm 2011) đã in năm 2010. Tuy nhiên, nói như nhà phê bình văn học, nghệ thuật Phạm Xuân Nguyên (Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội): Có cảm tưởng Nguyễn Thị Minh Thái có viết nữa, viết mãi về những nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch và rộng ra là những người được trời ban cho cái nòi nghệ sĩ, thuộc dòng giống ham cái đẹp và chế tác ra cái đẹp thì ngòi bút của chị vẫn không hề vơi cạn nguồn tư liệu và cảm xúc, ý và tình, sắc và điệu... Như thế, nó sẽ không nhàm chán!

Thì đây, trong Mặt hoa da phấn, người đọc gặp lại Thế Lữ, Nguyễn Đình Nghi, Doãn Hoàng Giang, Phạm Thị Thành, Lê Hùng, Lê Khanh... trong sân khấu; Trịnh Công Sơn và những khúc nhạc trữ tình còn mãi với thời gian. Đó cũng có thể là Lê Dung - “người đàn bà hát” của Việt Nam thế kỷ XX, hay một Hồng Nhung trẻ trung hát để tri ân và thỏa nỗi nhớ nhung Hà Nội... Trong Mặt hoa và văn chương, Tôi và mặt hoa là những mạch cảm đầy đặn về Trần Quốc Vượng và nghiệp khảo cổ, nhà báo lão thành Hữu Thọ, GS Hà Minh Đức, nhà văn Hữu Ước... hay thế hệ văn nghệ sĩ đang thành danh như Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Ngọc Tư... Cũng không thể không nhắc tới sự quan tâm của Nguyễn Thị Minh Thái vào lĩnh vực mới là “văn hóa học” trong thời gian gần đây, đó là những luận bàn về lễ hội, văn hóa đọc, nghệ thuật cải lương, truyền hình và điện ảnh trong bối cảnh xã hội hóa... Cả cuốn sách, người đọc vẫn nhận thấy bản lĩnh và cái tôi, có từ thời tác giả công tác tại Tạp chí Sân khấu hơn 30 năm về trước, không hề mất đi, vẫn ào ạt như ngày nào. Đọc chị, dù là về Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Lê Khanh... hay những vấn đề thời sự của sân khấu nước nhà như cái hài trên sân khấu, nhà hát truyền hình... người đọc không lẫn với ai được. Hẳn là phải có cả quá trình “đeo đuổi”, rồi trở thành “người nhà” của những nghệ sĩ tài danh mới có thể “moi” tự sự của người trong cuộc, thân thiết, say mê và tỉnh táo đến thế.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Mặt người mặt hoa”, tiếp nối “Đánh đường tìm hoa”, khai triển tiếp cách thức mới của nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái, không chỉ khám phá cái đẹp của giá trị tinh thần từ phía những người làm ra cái đẹp đó, mà cả từ phía những người thụ hưởng cái đẹp ấy... Và khi đã được thấy, được cảm những “mặt người”, “mặt hoa” hiện lên dưới ngòi bút da diết đam mê, nồng nàn cháy bỏng của người viết, bạn đọc sẽ thấy thấp thoáng dáng đẹp của người ẩn hiện trong sách...

Bằng những trải nghiệm của người có gần 40 năm giảng dạy đồng thời là nhà nghiên cứu, nhà báo theo dõi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, những “ánh xạ” về mảng đề tài này của Nguyễn Thị Minh Thái có nét rất riêng. Đó là sự khác biệt tạo nên dấu ấn đã đi cùng chị trong suốt thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Mặt người mặt hoa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.