(HNM) - Càng những ngày gần Tết Nguyên đán Ất Mùi, sức mua các mặt hàng thực phẩm khô ngày càng gia tăng. Hàng hóa đa dạng, mẫu mã bắt mắt… khiến thị trường khá sôi động. Từ thành thị về nông thôn, nơi nào cũng tấp nập người mua kẻ bán, song vẫn còn đâu đó những mặt hàng không rõ nguồn
Quầy bán bánh kẹo ở chợ Đồng Xuân. |
Ngày Tết ông Công, ông Táo mưa suốt cả buổi sáng, nhưng chợ Hạ Bằng (xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất) vẫn chen chúc người mua kẻ bán. Đập vào mắt chúng tôi là tấm băng rôn đỏ nổi bật với dòng chữ màu trắng "Hãy bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tết và lễ hội năm 2015" ở ngay cổng chợ. Các lối đi hẹp, lép nhép bùn đất nhưng ai cũng hào hứng mặc cả mua bán. Bên cạnh những mặt hàng thường thấy ở chợ quê như lá dong, thịt mỡ, dưa hành còn có khá nhiều các mặt hàng bánh kẹo... Phần lớn các sản phẩm bánh kẹo đều ghi rõ xuất xứ, nơi sản xuất và hạn sử dụng. Tuy nhiên, hầu hết đều không phải là những mặt hàng có thương hiệu lớn, nổi tiếng mà chỉ là sản phẩm được sản xuất ở xã Cát Quế, xã La Phù (Hoài Đức)… Ở một số quầy hàng vẫn xuất hiện những gói bim bim, ô mai nhỏ không có nhãn mác hoặc ghi toàn chữ Trung Quốc. Với các mặt hàng như măng, mộc nhĩ, nấm hương đều không rõ nguồn gốc, người bán hàng bảo đảm bằng miệng là măng của Hà Giang, Lạng Sơn… "sạch" hoàn toàn. Một số sản phẩm gia dụng như cây lau nhà xoay 360 độ được in dưới đáy thùng "Made in ThaiLan" với giá 250.000 đồng nhưng cũng không hề có thêm nhãn, mác nào…
Đến chợ đầu mối Hà Đông (quận Hà Đông), cảnh tấp nập khiến chợ vô cùng náo nhiệt. Ngay lối lên cầu thang ở tầng 2 có khoảng 20 quầy hàng chuyên bán các loại sản phẩm như: Hạt dưa, hướng dương, bí, dẻ, hạnh nhân... với đủ mẫu mã. Tuy nhiên, trong những bao tải đầy bánh kẹo vẫn "lọc" được những loại kẹo không có một chữ tiếng Việt nào in trên sản phẩm và được chủ hàng khéo léo giới thiệu là hàng Thái Lan, hàng nhập khẩu. Khi được hỏi về nhãn mác, chủ hàng giải thích: Đại lý "đổ" hàng bằng các thùng, vì bán lẻ nên bày thế cho người mua dễ chọn. Nếu cần thì chỉ có mác "Chúc mừng năm mới" chứ không có mác ghi nhà sản xuất, hạn sử dụng… Song, trong số này đáng chú ý là các loại mứt không có bất cứ một loại mác, giá nào được niêm yết và đều được giới thiệu là ô mai, mứt Đà Lạt, nho khô Mỹ… Nếu muốn lấy về đóng gói bán lẻ thì phải đặt trước các đại lý mới cung cấp nhãn mác…
Tại chợ Đồng Xuân lớn nhất Hà Nội, những dãy hàng bánh kẹo lấp lóa đủ sắc màu. Cũng bằng những bao tải ngồn ngộn bánh kẹo, trong đó có khá nhiều loại kẹo chỉ có tiếng nước ngoài mà không có phụ đề tiếng Việt và được giải thích là kẹo nhập khẩu, được giới thiệu nhiều nhất là hàng Thái Lan. Có hàng chục loại mứt, ô mai, mít sấy khô… nhưng hầu như không quầy hàng nào niêm yết giá và xuất xứ. Khi được hỏi về nơi sản xuất, một số bà chủ khinh khỉnh: "Đi buôn mà không biết? Mua được bao nhiêu mà hỏi lắm thế?". Cách đó không xa, những ki ốt bán măng khô, mộc nhĩ, nấm các loại… cũng trong tình trạng tương tự bởi không có niêm yết giá, không ghi xuất xứ, không hạn sử dụng…
Tình trạng nhiều "không": Không nơi sản xuất, không nhãn mác, không hạn sử dụng… luôn được các cơ quan truyền thông phản ánh, ghi nhận trong những dịp lễ, Tết, nhưng năm nào cũng vậy hiện tượng này vẫn lặp đi lặp lại. Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá đã quy định chợ cũng là một địa điểm mà các tập thể, cá nhân khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bắt buộc phải niêm yết giá… Nhưng với thực tế trên thì xem ra quy định này vẫn chưa đi vào cuộc sống. Không hiểu vì lý do gì mà đến nay các cơ quan chức năng chưa siết lại việc thực hiện quy định này khiến hàng hóa vẫn trong tình trạng mập mờ về nguồn gốc, còn người tiêu dùng vẫn như lạc trong ma hồn trận vì không biết trông chờ vào đâu để có thể an tâm về độ an toàn của các mặt hàng thực phẩm đang bày bán trên thị trường?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.