Nông nghiệp - Nông thôn

Hà Nội: Sẵn nguồn cung rau xanh cho thị trường Tết

Ngọc Quỳnh 05/02/2024 - 17:02

Dịp Tết này, nhu cầu tiêu thụ rau xanh trên địa bàn Hà Nội được dự báo khoảng 100.000 tấn, tăng 15% so với tháng bình thường...

Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, mặc dù thời tiết những ngày cuối năm đôi lúc diễn biến thất thường nhưng nhìn chung, tình hình sản xuất rau màu khá thuận lợi. Nông dân đang tập trung thu hoạch rau, củ, quả... phục vụ tiêu dùng dịp Tết kết hợp trồng gối vụ, gieo lứa rau mới cho thị trường sau Tết.

van-duc.jpg
Vùng rau Văn Đức (huyện Gia Lâm) vào vụ Tết.

Các vựa rau lớn vào vụ lớn nhất năm

Theo dự báo, trong các tháng Tết, nhu cầu tiêu thụ rau trên địa bàn Hà Nội khoảng 100.000 tấn rau xanh, tăng 15% so với tháng bình thường. Trong khi đó, Hà Nội chủ động được 65% sản phẩm rau, còn lại từ các tỉnh, thành phố lân cận mang về tiêu thụ tại Thủ đô.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vụ đông năm 2023-2024, Hà Nội gieo trồng hơn 28.512ha rau, đậu tương, ngô, lạc, khoai lang, khoai tây và nhiều loại cây trồng khác. Nhìn chung, đến thời điểm này, toàn thành phố gieo trồng đúng kế hoạch, rau sinh trưởng, phát triển tốt.

tien-le.jpg
Nông dân Hợp tác xã rau Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) sơ chế quả cung cấp cho thị trường ngày Tết.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, thời điểm này, thành viên Hợp tác xã tích cực chăm sóc, thu hoạch, đồng thời tiếp tục gieo trồng các loại rau ngắn ngày gối vụ để cung cấp rau xanh cho thị trường thành phố dịp Tết. Với diện tích 250ha, mỗi ngày, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn rau các loại. Ngoài ra, vào những ngày cận Tết, Hợp tác xã còn liên kết sản xuất với vùng rau lân cận để tăng sản lượng gấp 2-3 lần so với ngày thường.

Hiện, trên cánh đồng rau an toàn của Hợp tác xã rau Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), nông dân hối hả chăm sóc, thu hoạch vụ rau lớn nhất năm.

Theo ông Nguyễn Văn Hào - Giám đốc Hợp tác xã Tiền Lệ, với diện tích 33ha sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đơn vị đã ký hợp đồng cung ứng rau cho chuỗi siêu thị Vinmart, BigC và các cửa hàng rau sạch. Trung bình một ngày, Hợp tác xã thu hoạch, tiêu thụ khoảng 15-20 tấn rau với giá bán 10-15 nghìn đồng/kg. Vào những ngày trong và sau Tết Nguyên đán, lượng rau an toàn có thể tiêu thụ tăng 10% so với ngày thường. Cơ bản, năm nay thời tiết thuận lợi cho cây rau phát triển, giá cả tăng nhẹ nên nông dân rất phấn khởi.

rau-thuong-tin.jpg
Huyện Thường Tín dự kiến cung cấp vài nghìn tấn rau xanh cho thị trường Tết.

Tại Thường Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Công Thản cho biết, để phục vụ người dân dịp trong và sau Tết Nguyên đán, toàn huyện gieo trồng khoảng hơn 1.000ha rau các loại (su hào, bắp cải, súp lơ, cà rốt, rau thơm...). Hiện, rau màu trên địa bàn phát triển tốt, dự kiến, dịp Tết này, Thường Tín cung cấp cho thị trường vài nghìn tấn rau xanh các loại, bảo đảm an toàn chất lượng.

Tránh tình trạng cung vượt cầu

Tết Nguyên đán Giáp Thìn cận kề, những ruộng rau bắp cải, súp lơ… bước vào kỳ thu hoạch, báo hiệu bội thu, giá các loại rau năm nay cao hơn so với mọi năm giúp người trồng rau thêm một cái Tết đủ đầy, sung túc. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số người, sau Tết, giá rau xanh có thể giảm mạnh nên nông dân cần sản xuất theo nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu.

Bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) chia sẻ, để nâng cao giá trị cây rau, vụ đông năm nay, thay vì trồng bắp cải như mọi năm, gia đình chuyển 2 sào sang trồng súp lơ xanh - loại rau được cho là giàu dinh dưỡng, được nhiều người ưa thích. Việc chuyển đổi phù hợp nhu cầu thị trường đã giúp gia đình bà Thảo thu lãi khoảng 25 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với trồng bắp cải.

rau-thanh-tri.jpg
Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp An Phát (huyện Thanh Trì) thu hoạch quả phục vụ thị trường Tết Nguyên đán...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, để nâng cao giá trị cây rau, huyện yêu cầu các hợp tác xã đẩy mạnh việc mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho nông dân... Huyện cũng khuyến cáo nông dân không sản xuất ồ ạt một loại rau, củ, quả mà trồng rải vụ, sản xuất theo hợp đồng và nhu cầu thị trường nhằm hạn chế tình trạng dư thừa cục bộ. Ngoài ra, huyện cũng phối hợp với các sở, ngành đưa sản phẩm rau, củ, quả tham gia hội chợ, sự kiện để giới thiệu sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), quảng bá thương hiệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Để giúp người dân định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, không xảy ra tình trạng cung vượt cầu, đặc biệt là vụ rau đông xuân sắp tới, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh, Sở không ngừng nâng cao năng lực phân tích, dự báo nhu cầu tiêu dùng, từ đó định hướng phát triển cây trồng phù hợp, làm căn cứ để các địa phương triển khai thực hiện.

Theo đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân trồng đa dạng chủng loại rau, rải vụ đối với rau màu nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ; mở rộng diện tích trồng rau ăn lá, rau gia vị, củ, quả… tạo thuận lợi cho khâu tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm rau an toàn trên thị trường.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị nông dân thực hiện tốt các hợp đồng liên kết sản xuất - bao tiêu sản phẩm; sản xuất theo nhu cầu cần thực hiện từng bước, căn cứ nhu cầu tiêu dùng thực tế, không sản xuất ồ ạt, tự phát... qua đó, tăng giá trị cây rau, góp phần mang thêm nhiều mùa xuân no ấm cho người trồng rau...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Sẵn nguồn cung rau xanh cho thị trường Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.