Thị trường

Bánh kẹo Việt chiếm lĩnh thị trường Tết

Thanh Hiền 12/01/2024 - 06:19

Tết Nguyên đán là mùa mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm và cũng là khoảng thời gian bận rộn nhất của các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo. Để phục vụ thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, các doanh nghiệp trong nước không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện mẫu mã với giá cả cạnh tranh.

Nhờ đó, sản phẩm bánh kẹo trong nước ngày càng thu hút được sự quan tâm, yêu thích của người tiêu dùng.

banh-keo.jpg
Người tiêu dùng chọn mua bánh kẹo Việt tại siêu thị Big C (quận Cầu Giấy). Ảnh: Đỗ Tâm

Không tăng giá bán, ổn định nguồn cung

Mùa Tết Nguyên đán năm nay, Mondelez Kinh Đô đã đưa ra thị trường những sản phẩm đặc biệt dành riêng cho Tết cổ truyền như: LU, Oreo, Cadbury Dairy Milk… với mẫu mã bắt mắt.

Giám đốc Marketing Công ty Mondelez Kinh Đô Sameer Yadav cho biết, cùng với việc chú trọng bình ổn giá và gia tăng chất lượng sản phẩm cho mùa Tết, để phục vụ tốt nhất người tiêu dùng đón xuân mới, Mondelez Kinh Đô đã đưa hàng đến gần 100.000 điểm bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa trên cả nước. Các sản phẩm của Mondelez Kinh Đô cũng được phủ sóng rộng rãi trên các kênh thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, cùng với kênh online của các chuỗi siêu thị Co.opmart, Big C… Bên cạnh đó là những chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Để phục vụ người dân Thủ đô dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội dự kiến đưa ra thị trường 350 tấn sản phẩm. Ngoài các loại mứt truyền thống, công ty giới thiệu nhiều sản phẩm mới như mứt mận, hồng bì, hibicus... Các sản phẩm bánh, mứt năm nay cũng được thay đổi về mẫu mã, hình ảnh bao bì, bảo đảm tính thẩm mỹ và tiện lợi trong sử dụng.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội Vương Trọng Tuấn thông tin, năm nay dù giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 5-12% so với cùng kỳ năm trước, song đơn vị vẫn cam kết không tăng giá bán sản phẩm để ổn định nguồn cung. Trong quá trình sản xuất, công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bibica Nguyễn Quốc Hoàng chia sẻ, năm nay, doanh nghiệp dự kiến đưa ra thị trường 6.200 tấn bánh kẹo các loại với mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt trong dịp Tết.

Còn theo đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina, thị trường bánh kẹo mùa Tết năm 2024 sẽ tăng khoảng 5-10% so với Tết năm 2023. Công ty sẽ cung cấp ra thị trường 32.000 tấn bánh kẹo với tiêu chí quan trọng nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý.

Bánh kẹo Việt chiếm ưu thế trong kênh bán lẻ

Ghi nhận của phóng viên tại hệ thống các siêu thị lớn như Hapro/BRG Mart, Big C, Co.opmart, Winmart… các loại bánh mứt kẹo của Việt Nam được trưng bày nổi bật, bắt mắt và luôn chiếm ưu thế trên các kệ hàng.

Lựa chọn hộp bánh Cosy với bao bì bắt mắt, mang đậm màu sắc, không khí xuân, bà Nguyễn Mai Anh, người mua hàng tại siêu thị Winmart trên phố Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy) cho biết, năm nay, các doanh nghiệp trong nước đã tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều phân khúc hàng hóa khác nhau.

Phân tích về nhu cầu sử dụng bánh kẹo trong dịp Tết Nguyên đán, đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết, dịp Tết, người tiêu dùng có xu hướng chọn mua hàng cao cấp làm quà tặng. Để cạnh tranh với sản phẩm bánh kẹo ngoại nhập, một số doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực trong việc đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Quang, chủ cửa hàng tạp hóa trên phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) cho biết, mặc dù trên thị trường có đầy đủ các loại bánh kẹo nhập khẩu từ Nhật Bản, Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức… đa dạng về chủng loại, chất lượng, nhưng khách hàng chủ yếu vẫn lựa chọn bánh kẹo sản xuất trong nước, phổ biến là các loại đặc trưng ngày Tết, giá cả hợp lý, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

“Bên cạnh việc đặt hàng từ các nhà cung cấp trong nước, chúng tôi cũng nhập sản phẩm của các cơ sở sản xuất bánh mứt Tết tại địa phương; trong đó đa phần là sản phẩm làm thủ công, truyền thống như mứt gừng, dừa, bánh hạt dinh dưỡng”, ông Nguyễn Xuân Quang thông tin thêm.

Chủ một số cửa hàng bánh kẹo trên địa bàn Thủ đô cho biết, đa số mặt hàng bánh kẹo Tết đều không tăng giá, thậm chí một số loại có giá thấp hơn ngày thường do các nhà cung cấp thực hiện chương trình giảm giá.

Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung cho hay, để phục vụ nhu cầu bánh kẹo Tết của người dân, các doanh nghiệp trong nước đã tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng. Bánh kẹo đặc trưng Tết năm nay chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng cao của các thương hiệu nổi tiếng như: Kinh Đô, Bibica, Orion, Hải Hà...

Đánh giá cao nỗ lực đổi mới để chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo trong nước, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng đầu tư công nghệ, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng các sản phẩm, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Qua đó, các doanh nghiệp đã chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu, thiết kế các mẫu mã, bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng...

phuong-lan.jpg

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:

An toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu

Đến nay, các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu đưa ra thị trường nhiều mặt hàng và không tăng giá nhằm chia sẻ khó khăn với người dân. Sở Công Thương thành lập các đoàn công tác kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết, bảo đảm không để hàng hóa tăng giá đột biến, khan hàng, thiếu hàng.

Đặc biệt, để bảo đảm an toàn thực phẩm, Sở Công Thương đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, các sở, ngành triển khai các đoàn kiểm tra liên ngành theo quyết định của UBND thành phố, với mục tiêu kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng..., bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Sở Công Thương tập trung triển khai các hoạt động kích cầu, qua đó cung cấp các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng nên lựa chọn các thương hiệu bánh, mứt, kẹo bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, không mua hàng không rõ thông tin, nhãn mác.

xuan-kien.jpg

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên:

Kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm vi phạm

Đối với mặt hàng bánh, mứt, kẹo, vấn đề quan trọng nhất là phải kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 295/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội xuân năm 2024. Theo đó, từ ngày 15-12-2023 đến hết ngày 15-3-2024, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội sẽ thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Với riêng bánh, mứt, kẹo, để ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng thường gia tăng vào dịp Tết, Cục Quản lý thị trường đã triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ hoạt động sản xuất, mua bán, khu vực tập kết hàng hóa của tư thương nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các sai phạm.

thu-hang.jpg

Chị Võ Thị Thu Hằng (chung cư Hei Tower, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân):

Người Việt ngày càng ưu ái hàng Việt

Các sản phẩm bánh, mứt, kẹo của Việt Nam có chất lượng, mẫu mã đẹp không thua kém so với các mặt hàng nước ngoài mà giá thành lại rẻ hơn. Lựa chọn ưu tiên hàng Việt trong thời điểm kinh tế khó khăn này cũng giúp tôi tiết kiệm chi phí.

Có nhiều lý do khiến người tiêu dùng Việt ngày càng dành sự ưu ái cho các sản phẩm nội địa. Trong đó, nổi bật là yếu tố chất lượng, hợp khẩu vị, nguồn gốc sản phẩm rõ ràng. Những năm gần đây, các sản phẩm bánh, mứt, kẹo truyền thống được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn. Trong các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, bánh, mứt, kẹo sản xuất trong nước cũng chiếm hầu hết các kệ hàng. Với sản phẩm bánh, kẹo nhập khẩu, người tiêu dùng thường chọn mua ở cửa hàng lớn và cũng cảnh giác hơn với hàng giả, hàng nhái...

Tôi và gia đình đang tin dùng hàng hóa từ nhiều thương hiệu Việt Nam như Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, gạo Lộc trời, Thượng Đình... Người tiêu dùng đã nhìn nhận đúng hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.

Quang Minh ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bánh kẹo Việt chiếm lĩnh thị trường Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.