Hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) là một động lực tăng trưởng kinh tế và càng quan trọng trong bối cảnh một số lĩnh vực quan trọng khác chưa phục hồi như mong muốn.
Thực tế cho thấy, lĩnh vực này đang diễn biến “trái chiều”, vươn lên một cách khá ngoạn mục, phần nào bù đắp cho lĩnh vực khác, đồng thời tạo đà bứt phá, chuyển dịch cơ cấu và nâng sức cạnh tranh cho cả nền kinh tế trong tương lai gần. Trước mắt, có thể nhận định, hoạt động FDI sẽ là mảng sáng nhất của bức tranh kinh tế 2023…
Tổng vốn FDI mới tăng 14,7%
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 10 tháng năm 2023 vào Việt Nam đạt 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả giải ngân nguồn vốn này cũng diễn biến cùng chiều khi các doanh nghiệp FDI đã thực hiện 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đó thể hiện sự duy trì đà tăng tiến, sức vươn của động lực tăng trưởng quan trọng này trong bối cảnh hoạt động FDI vẫn trầm lắng, thu hẹp trên bình diện quốc tế. Thực tế cũng cho thấy sức hấp dẫn, cạnh tranh ngày càng ổn định của Việt Nam trong cuộc đua thu hút vốn FDI với nhiều quốc gia khác.
Đáng lưu ý là, bên cạnh lượng vốn tiếp tục gia tăng thì chất lượng dự án FDI mới cũng song hành, có xu hướng hiện đại, thuộc những lĩnh vực công nghệ cao và phù hợp với định hướng “nâng lượng, tăng chất” của Việt Nam. Mới đây, nhà máy bán dẫn có tổng quy mô vốn 1,6 tỷ USD của Tập đoàn Amkor đã khánh thành tại Bắc Ninh. Từ góc độ địa phương, nhiều tỉnh giàu tiềm năng tiếp tục phát huy lợi thế, đạt kết quả tốt trong thu hút nguồn vốn mới.
Đơn cử, tỉnh Đồng Nai đã đón tiếp một số công ty, tập đoàn lớn từ Mỹ, Nhật Bản đến tìm cơ hội đầu tư và đã thu được hơn 1 tỷ USD vốn FDI trong 10 tháng qua - vượt kế hoạch cả năm 2023 (là thu hút 700 triệu USD). Một số nhà đầu tư tiềm năng đang đề xuất đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thiết bị quang học tiên tiến, linh kiện điện tử, đô thị thông minh…
Nguyên nhân cho sự gia tăng số vốn mới vừa qua bắt nguồn từ sự ổn định và cải thiện liên tục về môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam. Bên cạnh đó là nhu cầu chuyển dịch địa bàn sản xuất nhằm đa dạng hóa nguồn cung cũng như xuất xứ của sản phẩm của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.
Giới chuyên gia nhận định, việc nhà đầu tư tìm cơ hội, tiến tới triển khai ngày càng nhiều dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghệ cao minh chứng cho sức hấp dẫn về hạ tầng, nhân lực của nước ta.
Kiên trì, tập trung cải cách
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI Nguyễn Văn Toàn chia sẻ, những hạn chế, được gọi là “nút thắt” đối với hoạt động FDI trong giai đoạn trước đây như hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế kinh tế… đã và đang được giải quyết theo hướng minh bạch, thông thoáng và triệt để. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm đến Việt Nam như là điểm đến triển khai dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, có sức lan tỏa nên đòi hỏi nhiều vốn, chất xám.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, ngoài các giải pháp chung như ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thời gian tới, Việt Nam tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phù hợp với môi trường kinh doanh số, sản xuất sạch. Trong đó nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực công nghệ cao.
Về phía mình, hầu hết địa phương cũng chủ động tăng tốc hoàn thiện hệ thống hạ tầng, quan tâm đến các nhu cầu tất yếu của nhà đầu tư với cam kết đồng hành lâu dài. Trong đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, những khó khăn lâu nay như vướng mặt bằng, quy hoạch đất sạch, hạ tầng kết nối ở khu công nghiệp… đang được chính quyền tháo gỡ triệt để, nhanh chóng. Khi giải quyết tốt những vấn đề trên đồng nghĩa tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đó cũng là tiền đề, điều kiện thu hút thêm vốn FDI trong trung và dài hạn.
Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành tập trung cải cách hành chính một cách nhanh chóng, thực chất để hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp hiệu quả hơn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công văn số 100/TCTCCTTHC về việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp thủ tục hành chính và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ. Đáng lưu ý là Chính phủ yêu cầu chủ động rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục hành chính và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nội bộ giai đoạn 2022-2025.
Song song với đó, nhiều bộ, ngành, địa phương đang vào cuộc rốt ráo, đưa ra những thông tin cụ thể và đang tác động đến cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp nói chung. Đơn cử, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định các thủ tục hành chính cần được chuyển đổi số, rút ngắn thời gian. Đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.