(HNM) - “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng 3 khao lề thế lính Hoàng Sa…”, câu ca khắc khoải được người dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mãi lưu truyền, ghi nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân không quản hiểm nguy, vượt sóng ra Hoàng Sa dựng bia, cắm mốc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trên quê hương của Hải đội Hoàng Sa anh hùng hôm nay, lớp lớp thế hệ đang nối tiếp truyền thống, kiên cường bảo vệ biển đảo quê hương.
Xác lập chủ quyền trên hai quần đảo
Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hay tin Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân ra thăm, tặng quà Tết quân và dân huyện đảo, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí nhiệt thành đón khách từ quân cảng Vùng 3, thành phố Đà Nẵng... Rạng sáng 7-1, Đoàn cập đảo Lý Sơn trong mưa giăng nặng hạt, sóng to, gió lớn. Giữa mùa gió chướng nơi trùng dương mênh mông, huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi hiện ra tuyệt đẹp với lớp lớp đá nham thạch thâm trầm, nước biển xanh mê hoặc và bạt ngàn những đồng tỏi thơm nồng.
Về tới quê nhà, trở thành vị hướng dẫn viên am tường khi dẫn Đoàn thăm Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí có cơ hội sống lại với nghề cũ (ông nguyên là Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi). Ngược dòng lịch sử, ông đưa khách trở lại thế kỷ XV, XVI trong chuyện về những người lính thuộc Hải đội Hoàng Sa. Câu chuyện hùng tráng được chậm rãi kể giữa khói hương trầm thành kính trước tượng đài càng khiến người nghe thêm xúc động.
Phía trước nhà trưng bày là tượng đài ba vị binh phu Hoàng Sa với ánh mắt cương nghị, tay chỉ về Biển Đông cuộn sóng, tượng đắp nổi dòng chữ khẳng định chủ quyền: “Vạn lý Hoàng Sa”. Phía sau tượng đắp dòng chữ: “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”, đại ý quần đảo Hoàng Sa có vị trí cực kỳ hiểm yếu đối với lãnh hải của đất nước. Đây là dòng chữ trên Chiếu của Vua Minh Mạng ban hành năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17). Bức tượng không hoa mĩ, tả thực về những con người Việt Nam bình dị đi ra từ cuộc sống nhưng được đời đời ngưỡng vọng.
Sau lễ dâng hương, dẫn khách thăm căn phòng trưng bày hơn 100 hiện vật, tài liệu về chủ quyền như bản đồ các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đồ dùng thiết yếu của các binh phu, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí tiếp chuyện kể về Đội Hoàng Sa hoạt động từ thế kỷ XVII cho đến giữa thế kỷ XIX. Chuyện rằng, từ thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, triều Tây Sơn cho đến nhà Nguyễn đã luân phiên dân định ở hai làng An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn sung vào Hải đội Hoàng Sa, sau này kiêm cả đội Bắc Hải để thực hiện nhiệm vụ cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ và khai thác sản vật trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Khi cử binh phu đi làm nhiệm vụ, các họ tộc làm lễ khao và thế lính như lập bài vị, hình nhân thế mạng để chịu thay mọi rủi ro, tai ương… Qua hàng trăm năm, những nghi thức khao lề, thế lính hiện vẫn còn được lưu giữ, là một hoạt động tâm linh quan trọng ở Lý Sơn. Hiện trên đảo vẫn còn những ngôi mộ gió chiêu hồn của các họ tộc có người đi lính Hoàng Sa, mãi mãi ghi nhớ công ơn Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, những người đầu tiên đã xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Xuân mới nơi “Trường Sa trên cạn”
Theo dòng lịch sử trải qua hơn 400 năm, trên đỉnh Thới Lới, điểm cao nhất của Lý Sơn hôm nay có Trạm ra đa 550 thuộc Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân, nơi các thế hệ cháu con đang tiếp tục giữ vững chủ quyền biển đảo. Được ví như “mắt thần canh biển”, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 550 là quan sát, phát hiện mục tiêu trên biển và trên không.
Kể chuyện đảo Lý Sơn hôm nay, Đại úy Trần Công Tài, chính trị viên của trạm nhắc đến những trở ngại mà cán bộ, chiến sĩ đã kiên cường vượt qua. Đó là cái nắng nóng bỏng rát mùa khô và những trận mưa kéo dài dầm dề vài tháng trong mùa mưa. Thời tiết khắc nghiệt cùng sương mù dày đặc bao trùm liên tục 3-4 tháng khiến cho việc quan sát mục tiêu gặp không ít khó khăn. Một bất tiện đáng kể khác là nguồn nước ngọt thiếu thốn, cán bộ, chiến sĩ chủ yếu dùng bể tích trữ nước mưa để dùng dè sẻn trong mùa nắng. Cũng bởi lý do này, trạm được ví như một “Trường Sa trên cạn”.
Tuy điều kiện công tác, sinh hoạt của đơn vị còn nhiều khó khăn nhưng trạm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đại úy Cao Xuân Duy, Trạm trưởng Trạm ra đa 550 tự hào kể, trong năm 2022, đơn vị đã phát hiện và thông báo kịp thời hơn 170.000 lượt mục tiêu trong khu vực quản lý, bảo đảm an ninh vùng trời, vùng biển, quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Trước thềm xuân Quý Mão 2023, bên cạnh việc duy trì nghiêm các kíp trực, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 351 cũng như Trạm ra đa 550 đã chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm để cán bộ, chiến sĩ đón Tết đầm ấm. “Trạm tổ chức đón Tết như ở đất liền, cũng gói bánh chưng, gói giò và chế biến nhiều món ăn khác từ những sản phẩm tăng gia được. Những món ăn đó cùng với tiêu chuẩn được cấp từ Bộ Quốc phòng, Quân chủng và Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã giúp anh em ăn Tết vui vẻ và ấm áp như ở quê nhà”, Đại úy Cao Xuân Duy hồ hởi nói.
“Đêm Giao thừa, đơn vị tổ chức thi hát. Khi đồng hồ chuyển dần về thời khắc Giao thừa thiêng liêng, tất cả cán bộ, chiến sĩ tập trung để cùng nghe thư chúc Tết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua cầu truyền hình trực tiếp. Lời chúc Tết từ đất liền thân thương như truyền thêm sức mạnh để quân và dân trên đảo cùng nhau đón năm mới với nhiều sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những bữa cơm ngày Tết ở trên đảo sum họp như đại gia đình lớn. Chúng tôi quây quần bên mâm cơm, chuyện trò vui vẻ, trao nhau những lời chúc tốt lành trước thềm xuân mới...”, Trung úy Võ Minh Lực, Phó Trạm trưởng Trạm ra đa 550 xúc động kể.
Ngoài những giờ phút vui đón Tết, trong thời gian đầu xuân mới, hoạt động của tàu bè đi lại trên biển nhiều nên cán bộ, chiến sĩ phải tập trung cao độ, theo dõi, quản lý tốt toàn bộ các loại mục tiêu để kịp thời báo cáo. Chính vì vậy, trạm chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm với quan điểm “Vui xuân không quên nhiệm vụ”.
Dù Tết không được sum họp cùng gia đình, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 550 đều nhận thức đó là một vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm cao cả của những người lính biển. Trên quê hương của Hải đội Hoàng Sa anh hùng, tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc như mạch nguồn âm thầm chảy mãi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.