Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ly nông, không ly hương

Đình Hiệp| 24/07/2017 06:53

(HNM) - Dù chưa có thống kê cụ thể số lao động nông thôn di cư ra các thành phố lớn kiếm việc làm, nhưng có lẽ con số này có thể lên tới hàng triệu. Tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp; thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không đủ để duy trì cuộc sống… là những lý do khiến nhiều lao động nông thôn phải “ly nông và ly hương”.


Thế nhưng, đằng sau câu chuyện nông dân không còn tư liệu sản xuất do đất bị thu hồi còn tồn tại một nghịch lý là khu công nghiệp tại địa phương thì lao động nơi khác đến làm; trong khi lao động ở đó phải đi kiếm việc nơi khác để mưu sinh. Công nghiệp về làng, đất nông nghiệp bị thu hồi, nhưng lao động nông thôn vẫn thiếu cơ hội việc làm. Đây là câu chuyện thời sự đối với nhiều thành phố lớn trong cả nước. Nghịch lý này xuất phát từ cả hai phía khi ngành nghề sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhiều khi rất mới lạ với khu vực nông thôn. Trong khi lao động nông thôn - những người quanh năm “chân lấm tay bùn” - lại thiếu tay nghề, chưa có tác phong công nghiệp nên chưa thể đáp ứng yêu cầu công việc.

Thực trạng trên cho thấy, việc giải bài toán hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất là cấp thiết, đặc biệt với Hà Nội khi tốc độ đô thị hóa đang diễn ra “chóng mặt”.

Hàng vạn héc ta đất nông nghiệp tại Hà Nội đã thu hồi để phục vụ các dự án phát triển nhà ở, cụm công nghiệp…, đồng nghĩa với hàng trăm nghìn lao động nông nghiệp phải tìm việc làm mới. Và hỗ trợ lao động bị thu hồi đất không chỉ dừng ở đào tạo nghề, hay giúp họ kiếm việc làm mới, mà cần hướng đến mục tiêu quan trọng hơn là bảo đảm cuộc sống ổn định, qua đó góp phần bảo đảm trật tự xã hội.

Để đẩy mạnh hỗ trợ, ngày 13-7-2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 24/2017/QĐ-UBND về việc hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Theo đó, người lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm khi có đủ các điều kiện như: Có nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm; trong độ tuổi lao động; có hộ khẩu thường trú tại hộ gia đình có đất nông nghiệp, đất ở kết hợp với kinh doanh bị thu hồi.

Đây là một quyết sách kịp thời, phù hợp với nhu cầu thực tế của lao động bị thu hồi đất trên địa bàn thành phố hiện nay. Để chính sách hỗ trợ trên đến đúng đối tượng được thụ hưởng, bảo đảm công khai, công bằng, các sở, ngành liên quan cần phối hợp với chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án sử dụng đất nông nghiệp đã thu hồi tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định mới này đến từng xã, phường, thị trấn; tiến hành điều tra, xác lập, xác nhận danh sách người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ và nhu cầu hỗ trợ theo đúng quy định. Tiếp đó, tập trung đào tạo nghề cho lao động có nhu cầu làm việc thực sự tại các khu công nghiệp, nhà máy… đóng ở địa phương bị thu hồi đất; lựa chọn, đặt hàng các cơ sở đào tạo nghề có đủ điều kiện, năng lực để tổ chức thực hiện nhằm giúp đào tạo nghề đạt hiệu quả.

Đất nông nghiệp là nguồn sống của người nông dân. Để nông dân “ly nông, nhưng không ly hương”, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và sự cộng đồng trách nhiệm của các doanh nghiệp. Song, mọi sự hỗ trợ chỉ là tiền đề, bản thân người lao động cần chủ động trong tìm kiếm ngành nghề phù hợp với khả năng, năng lực bản thân. Có như vậy mới giải quyết hiệu quả và bền vững vấn đề việc làm cho lao động nông thôn bị thu hồi đất. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ly nông, không ly hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.