(HNMCT) - Tư duy mạch lạc sáng rõ dường như là đòi hỏi có tính phổ quát đối với trí tuệ loài người. Từ thăm thẳm lịch sử, loài người đã đi qua thời gian và lưu dấu trong thời gian sự hiện diện của mình bằng những vật chứng cho thấy họ đã khám phá, lý giải và hiểu biết sáng rõ đến mức độ nào sự tồn tại của mình.
Khoa học kỹ thuật tiếp ứng cho những nền văn minh bằng cách làm sáng rõ những khoảng tối trong nhận thức. Thế nhưng, không phải bao giờ tư duy sáng rõ cũng đem lại sự thấu suốt. Thậm chí, đôi khi, tư duy sáng rõ lại là một cách thể hiện điển hình nhất cho những tăm tối của trí tuệ loài người. Ấy là khi con người đối diện với nghệ thuật, tôn giáo hay thế giới tâm linh. Thậm chí, ngay bản thân sự phức tạp của đời sống cũng đặt lý trí con người vào tình thế bị che mắt, bị đánh lừa, nếu không muốn nói là mù quáng. Nảy sinh trên nền của hiện thực, văn học nghệ thuật tự nó đã là một “thác bản” của sự phức tạp. Nghệ thuật luôn luôn bí ẩn, mới lạ, đầy thách thức. Trí tuệ sáng rõ sẽ gặp thất bại khi nỗ lực đem ra ánh sáng mọi điều bí ẩn của nghệ thuật, và ở phía kia, một khi nghệ thuật đã không còn sự bí ẩn, mơ hồ, xa lạ, tác phẩm cũng có thể được xem là đã hoàn tất số mệnh của mình.
Henry Bergson, triết gia người Pháp, từng chủ trương một thứ triết học của trực giác, nhấn mạnh sự thất bại của những cố gắng gân thịt (não bộ) trong việc tiệm cận với ấn tượng nghệ thuật. Ở đó, nghệ thuật ẩn chứa những siêu hình trong thế giới tinh thần thăm thẳm, mơ hồ, đầy bí ẩn của người nghệ sĩ. Tiếp sức với triết học trực giác của Bergson, những nghiên cứu về vô thức, tâm lý học miền sâu của S.Freud đã mở thế giới về phía bóng tối, vực thẳm, nơi trí tuệ chỉ tỏ ra là một đứa trẻ đầy non nớt, hàm hồ và kiêu ngạo. Chính sự lầm lẫn của trí tuệ đã che giấu sự thật về đời sống thực sự của con người. Sự thực thì, có rất nhiều thứ trong đời sống và cả trong nghệ thuật chúng ta không thể lý giải hay nắm bắt bằng sự mạch lạc, sáng rõ của lý trí. Không thể và cũng không nên. Những bản nhạc không lời, những bức tranh, bài thơ siêu thực, nghệ thuật phi lý... sẽ không đòi hỏi ở chúng ta những nỗ lực bạch hóa nó, đi đến kiệt cùng những mơ hồ, bí hiểm, phi lý của nó. Thế giới của ấn tượng, cảm xúc, của cái trực nhận duy trì thậm chí là cứu rỗi con người khi đứng trước những nguy cơ bị bóc trần bởi lý trí. Mà, nghệ thuật xét đến cùng là câu chuyện của tâm hồn.
Nghệ thuật không phải là mảnh đất tiềm năng của trí não, của những phân tích lạnh lùng, rạch ròi đến mức cơ giới, kỹ thuật. Vẻ bí hiểm và phi lý là một phần tất yếu của cuộc sống. Thượng đế, chúa trời, các đấng bậc thần thánh, các tôn giáo, thế giới tâm linh hay những vùng mơ hồ của nghệ thuật sống được là nhờ sự bí ẩn mà nó mang đến cho con người. Ngay những bộ óc siêu phàm, những trí tuệ siêu việt cũng không từ chối thế giới bí hiểm đó, xem đó như là điểm tựa cho những nỗ lực, hy vọng ở phía sáng.
Thơ ca, đặc biệt là thơ tượng trưng, siêu thực lấy vô thức, giấc mơ làm cơ sở, lấy cái hư ảo để biểu đạt trạng thái toàn nguyên của hiện thực. Hiện thực như là một tồn tại hữu hình, siêu hình, khả giải và bất khả giải chính là điều kiện sống của chúng ta. Lý trí, kỹ thuật thuần túy về thực chất là những sở hữu khô cứng đã tước đi đôi cánh tưởng tượng của con người, giữ ghì họ trên mặt đất để trở thành những kẻ nông gần, thiển cận. Bay lên khỏi mặt đất để tiếp thông với huyền ảo, với bao la kỳ bí chính là phương cách để con người sống đầy đủ hơn, phong phú hơn, đồng thời từ đó cứu rỗi họ khỏi những tẻ nhạt mà sớm muộn lý trí sẽ phải đối mặt.
Sẽ thật gần với chúng ta, những câu chuyện thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, thế giới tâm linh và các tôn giáo sẽ còn lại gì khi không khí linh thiêng, huyền ảo rất khó kiểm soát hay lý giải kia bị tước đoạt, bị gạt bỏ hay rọi sáng một cách tường tận? Và, thơ ca sẽ còn lại gì nếu chúng ta không còn những xúc cảm rưng rưng trước cái mầu nhiệm của ý tình, cái mơ hồ của nhịp điệu mà thi sĩ trong phút giây thần khải đã kịp mang về và dâng hiến loài người.
Con người càng ngày càng sở hữu nhiều hơn những công cụ, kỹ thuật để phân tích và làm sáng rõ nhiều vấn đề của đời sống. Khoa học kỹ thuật đánh dấu bước tiến của văn minh, làm cho con người sung sướng hơn, tiện nghi hơn, nhưng cũng đặt con người vào muôn vàn lo toan, đối phó. Bởi vì phải đối diện, biết - hiểu nên con người phải đối phó, kháng cự. Càng kháng cự, con người càng nhận ra giới hạn, nhận ra mình trần trụi đến thế nào giữa thăm thẳm mênh mông vạn vật, vũ trụ. Văn hóa, nghệ thuật, trái lại, làm cho con người sống tốt đẹp hơn, bằng cách bồi dưỡng tâm hồn, tinh thần con người, trong đó có việc nuôi dưỡng trí tưởng tượng, niềm hy vọng và những chờ đợi nhiệm mầu ở phía chưa biết.
Chúng ta không phủ nhận lý trí, không phủ nhận những thành tựu khoa học, kỹ thuật mà con người đã có được trong hành trình sống của mình. Tuy nhiên, một điều phải nhận thấy rằng, sự sáng rõ của lý trí không phải là tất cả đời sống, không thể hiện tường tận hết mọi ngõ ngách của tồn tại. Đó là cơ sở cho sức sống của thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, thế giới tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng và văn học nghệ thuật. Một ngày nào đó, loài người sẽ nhàm chán bởi những gì được phô bày dưới ánh sáng của khoa học, lý trí. Mộng mơ về một thế giới xa lạ, bí ẩn sẽ thôi thúc con người trên hành trình đi tiếp, chí ít là họ cảm thấy một động lực để đối diện và vượt qua giới hạn đang giăng lên trước đời sống của mình. Và, thật diệu kỳ, đó chính là lý do tồn tại của văn học nghệ thuật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.