Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lượng tiêu thụ, giá đều giảm: Người chăn nuôi hết lãi

Quỳnh Dung| 20/02/2013 08:18

(HNM) - Đã thành quy luật, sau Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tăng cao. Tuy nhiên, do năm nay kinh tế khó khăn, tình trạng này diễn ra ngược lại. Không những vậy, sức mua cũng khá trầm lắng...

Chăm sóc đàn gà tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh). Ảnh: Phương An


Tiêu thụ giảm 30%

Không khí mua bán tại các trang trại chăn nuôi ở các huyện ngoại thành Hà Nội như Chương Mỹ, Thanh Oai, Ba Vì, Quốc Oai… hiện khá trầm lắng. Chị Đặng Thị Thủy, chủ hộ chăn nuôi lợn ở xã Tiền Phong (Chương Mỹ), cho biết những năm trước đây, thời điểm sau Tết hàng vẫn bán rất chạy. Nhưng năm nay sức mua chậm, thương lái không còn đến lấy hàng nhộn nhịp. Mặc dù trung bình mỗi tháng trang trại vẫn bán được 300-500 con lợn song thương lái không bắt dồn vào một lần như trước mà lấy nhỏ giọt.

Giá lợn cũng giảm hơn so với thời điểm trước Tết, khoảng 1.000 đồng/kg, dao động từ 45.000 đồng đến 48.000 đồng/kg lợn hơi. Còn anh Hoàng Trọng Long, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Tân Ước (Thanh Oai), cho rằng sau Tết, lượng hàng tiêu thụ tại trang trại giảm đến 30%. Những năm trước, dịp này là thời điểm người chăn nuôi chuẩn bị tái đàn mạnh để bù vào lượng hàng đã bán trong dịp Tết. Năm nay, người dân vẫn nghe ngóng tình hình, nếu giá tăng và bán được nhiều mới nhập về nuôi.

Các trang trại chăn nuôi gà cũng trong hoàn cảnh tương tự. Anh Lê Công Chính, hộ nuôi gà ở xã Ba Trại (Ba Vì) phàn nàn: "Sau Tết, các công ty, xí nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại song lượng tiêu thụ gà vẫn giảm hơn so với thời điểm năm ngoái. Hiện gà công nghiệp chỉ bán được trên 32.000 đồng/kg và với giá này, người nuôi chỉ hòa vốn".

Do sức tiêu thụ chậm, giá lại giảm, nên năm nay gia đình anh chỉ nhập một lượng giống nhất định về nuôi để duy trì sản xuất chứ không nhập tới 5.000-6.000 con gà giống như mọi năm.

Không có lãi

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sức tiêu thụ và giá bán gia súc, gia cầm giảm hơn so với mọi năm là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trong nước và ngoài nước. Với giá các nguyên liệu đầu vào ngày càng tăng, người chăn nuôi lãi rất ít, thậm chí không có lãi.

Để từng bước đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững, các trang trại chăn nuôi cần liên kết chặt chẽ với nhau như thành lập các HTX để hình thành chuỗi cung cấp hàng hóa, từ việc mua con giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, nhằm giảm giá thành và tăng giá bán. Các trang trại cũng cần liên kết chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm lớn để ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định, tránh tình trạng bán qua thương lái như hiện nay, lượng hàng và giá đều bấp bênh. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, để người chăn nuôi khôi phục sản xuất sau Tết và phát triển ổn định thì đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, Nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn các chính sách về khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với các trang trại chăn nuôi lớn và doanh nghiệp, Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thuế và cho vay vốn với lãi suất thấp.

Hiện nay đang là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát. Vì vậy, ngoài việc nhanh chóng ổn định, khôi phục đàn vật nuôi, các hộ chăn nuôi cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động trong việc tiêm phòng các loại bệnh nguy hiểm như, áp dụng phương pháp nuôi an toàn sinh học, khép kín; nhập con giống ở các cơ sở bảo đảm chất lượng để kiểm soát được nguồn bệnh, tránh gây thiệt hại cho người dân khi vào vụ nuôi mới…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lượng tiêu thụ, giá đều giảm: Người chăn nuôi hết lãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.