(HNM) - Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, có ý nghĩa đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm… của mỗi người.
Chưa bao giờ, hệ thống trường mầm non ở Hà Nội phải chịu sức ép lớn như hiện nay, đặc biệt là tại các khu đô thị, các khu công nghiệp. Trong bối cảnh đó, với 320 trường mầm non ngoài công lập và gần 2.500 nhóm lớp tư thục trên địa bàn đã góp phần không nhỏ để "hạ nhiệt" về nhu cầu gửi trẻ ở những khu vực này. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống giáo dục này vẫn đối diện với nhiều vấn đề bởi các nhà đầu tư chưa nhận được ưu đãi thích đáng về cơ chế, chính sách, về quyền sử dụng đất. Một số khu công nghiệp, khu chế xuất chậm thực hiện các thiết chế văn hóa, trong đó có cơ sở giáo dục mầm non. Mặt khác, do đầu tư xã hội hóa các cơ sở giáo dục mầm non cần vốn lớn, nhưng thời gian thu hồi chậm nên chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Chưa kể, công tác quản lý trong lĩnh vực này còn chưa theo kịp thực tiễn…
Cái khó ấy đã khiến hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển “nóng”, nhiều cơ sở dù chưa đáp ứng đủ các quy định của pháp luật, chưa được cấp phép vẫn hoạt động công khai. Cơ quan quản lý, chính quyền địa phương biết nhưng cũng... im lặng vì "cung chưa đủ cầu". Nhiều phụ huynh cũng chấp nhận "nhắm mắt đưa chân" vì không có phương án khả thi hơn.
Nói vậy đủ thấy, sự ra đời các nhóm, lớp mầm non ngoài công lập là điều tất yếu và rất cần thiết, đặc biệt là tại những khu vực có tốc độ công nghiệp, đô thị hóa nhanh. Vậy nhưng, từ đây cũng bộc lộ vấn đề "dễ mở, khó quản" đối với các cơ sở này, đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ cả trước mắt cũng như lâu dài.
Trước hết, trong bất cứ hoạt động nào, việc tuân thủ quy định của pháp luật luôn được đặt lên hàng đầu, nên yêu cầu siết chặt, đưa những cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vào khuôn khổ là việc cần làm ngay. Ở đây, vai trò của chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát rất quan trọng và việc huy động các đoàn thể ở khu dân cư làm “tai, mắt” để phát hiện các nhóm, lớp hình thành tự phát là điều cần được phát huy. Các xã, phường nên thông báo công khai các nhóm, lớp hoạt động có phép và không phép để phụ huynh lựa chọn. Đồng thời, cần “buộc” trách nhiệm quản lý của người đứng đầu địa phương chặt hơn nữa để loại bỏ sự nể nang, né tránh trong xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp mầm non cần mang tính đặc thù cho từng vùng; quy hoạch trường mầm non ở khu đô thị phải khác khu công nghiệp, khu chế xuất… Cơ sở mầm non công lập - ngoài công lập phải được đối xử bình đẳng và về lâu dài Nhà nước cần hỗ trợ theo đầu trẻ, không phân biệt trường công hay trường tư. Để thu hút các nguồn lực đầu tư vào loại hình giáo dục này, cần có chính sách ưu đãi về vốn, đất đai, thủ tục hành chính… Ngược lại, cũng phải có chế tài với chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị khi không tạo dựng hệ thống trường, lớp theo quy định.
Và điều quan trọng nữa, đó là có sự đầu tư thỏa đáng cho chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non. Chỉ khi cấp học này được quan tâm toàn diện, với sự chung tay trách nhiệm của cả cộng đồng thì các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập mới được tăng cả về lượng và chất, phát triển đúng định hướng vì lợi ích dài lâu cho thế hệ măng non.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.