(HNMO) - Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, vào thời điểm này, lượng bệnh nhân đến khám tăng đột biến. Các bệnh viện đã bố trí thêm nhân lực và các bàn khám, giường bệnh để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
Cả nhà 4 người thì 3 người nhập viện
Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vào sáng 22-9, phóng viên ghi nhận, tại khu vực khám bệnh có rất đông bệnh nhân. Còn tại một số khoa như: Khoa Nhi, Truyền nhiễm, Hô hấp…, các giường bệnh đều kín chỗ.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, trong một tuần trở lại đây, bệnh viện ghi nhận số lượng bệnh nhân đến khám tăng đột biến. Trước đây, trung bình một ngày, bệnh viện tiếp nhận khám từ 1.000 - 1.200 bệnh nhân/ngày thì những ngày gần đây, không ngày nào dưới 1.600 bệnh nhân/ngày, thậm chí cao nhất là khoảng 1.800 bệnh nhân với trên 2.200 lượt khám/ngày.
Lý giải về sự gia tăng đột biến nói trên, theo bác sĩ Phạm Thị Thảo, nguyên nhân đầu tiên, đó là thời điểm giao mùa như hiện nay rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm như: Sốt xuất huyết, cúm A, cúm B, tiêu chảy do rotavirus… gia tăng.
Theo ghi nhận của phóng viên tại Khoa Nhi, các giường bệnh đều kín chỗ. Chị Â.B.V (ở phường Việt Hưng, quận Long Biên) cho biết: “Sau khi con trai xuất hiện sốt cao, cơ thể mệt mỏi, chán ăn…, tôi đưa cháu đi khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy, cháu bị mắc sốt xuất huyết và có hiện tượng rối loạn đông máu nên được chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Đến hôm nay, sau 4 ngày được điều trị và chăm sóc tích cực, sức khỏe của cháu đã tốt hơn, không còn sốt”.
Ở giường bên cạnh, anh N.V.T (ở phường Sài Đồng, quận Long Biên) đang chăm sóc con nhỏ chia sẻ, gia đình anh có 4 người thì 3 người đều điều trị tại đây vì mắc sốt xuất huyết. Con trai anh nằm điều trị tại Khoa Nhi, còn vợ điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Hiện, sức khỏe của mọi người đều đã ổn định.
Cùng với sự gia tăng của các bệnh truyền nhiễm, số lượng bệnh nhân đến khám các bệnh thông thường tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng tăng đáng kể. “Hiện, dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, do đó, các bệnh nhân cũng thoải mái hơn trong việc đi khám bệnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Các bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính cũng đã quay trở lại nhịp khám bệnh thông thường như thời kỳ trước khi có đại dịch. Bên cạnh đó, cũng có một tỷ lệ bệnh nhân sau khi mắc Covid-19 đi khám vì một số các biến chứng khó chịu nghi do hậu Covid-10”, bác sĩ Phạm Thị Thảo thông tin.
Tương tự, tại Khoa Nhi - Bệnh viện Thanh Nhàn, rất đông bệnh nhân nhập viện điều trị trong thời gian gần đây, khiến nguy cơ quá tải cao. Nếu như mọi năm, tỷ lệ bệnh chia đều viêm đường hô hấp và đường tiêu hóa, thì hiện nay, các bệnh viêm đường hô hấp chiếm 2/3.
Chị K.A, một phụ huynh đang có con điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, con chị mới 4 tháng tuổi nhưng bị ho, đờm, khó thở trên nền sinh thiếu tháng. Chị đã đưa con tới nhiều bệnh viện, từ bệnh viện tư tới Bệnh viện Nhi trung ương nhưng không được tiếp nhận vì hết chỗ. “May mắn khi tới đây, con được nhận vào điều trị nội trú và hiện vẫn đang được các bác sĩ theo dõi sức khỏe”, chị A nói.
Bác sĩ Vũ Thị Mai, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ, có rất nhiều bệnh nhân tại đây từng đi nhiều các bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, thậm chí là bệnh viện tư nhưng không có chỗ nên lại về đây. Chính điều này làm cho Khoa Nhi đang rơi vào tình trạng quá tải, phải mượn giường điều trị của khoa, phòng khác. Hiện, đơn vị này đang tiếp nhận 90 - 120 bệnh nhi.
Trong khi bệnh nhân đông, Khoa Nhi chỉ có 6-7 bác sĩ điều trị, mỗi bác sĩ đảm nhiệm chăm sóc, điều trị cho khoảng 20 trẻ. Toàn khoa phải trực 24/24 giờ bởi theo bác sĩ, có ca trực đêm, khoa tiếp nhận đến 20 trẻ cấp cứu do các bệnh đường hô hấp.
Cảnh giác với vi rút Adeno
Chiều 22-9, theo tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, từ tháng 8-2022 đến nay, số ca bệnh Adenovirus dương tính phát hiện tại đây tăng cao. Tổng số ca nhiễm vi rút Adeno ghi nhận trong toàn bệnh viện từ đầu năm 2022 đến nay là 1.406 ca bệnh, số ca bệnh nội trú là 811 ca (chiếm gần 58%), trong đó có 7 ca tử vong. Tỷ lệ chung trẻ mắc Adenovirus nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú.
Trước diễn biến nói trên, Bệnh viện Nhi trung ương đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm vi rút Adeno nhập viện theo nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng. Đồng thời, các bệnh nhi nằm viện được chăm sóc và điều trị tại khu vực riêng, không phải nằm ghép, đảm bảo mỗi trẻ một giường bệnh. Phòng bệnh thông thoáng, khoảng cách giữa các giường bệnh phù hợp, theo quy định; hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng đã bố trí thêm nhân lực và các bàn khám tăng cường vào những khung giờ cao điểm. Các phòng khám được tăng cường vào thời điểm này chủ yếu dành cho các chuyên khoa như: Truyền nhiễm, hô hấp, nhi, tai-mũi-họng...
Để phòng bệnh, bác sĩ Phạm Thị Thảo khuyến cáo, mỗi người cần tăng cường vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, nhất là vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối… Hiện, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng người dân vẫn nên đeo khẩu trang tại nơi công cộng, chỗ đông người. Cùng với đó, thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, tập thể dục để nâng cao thể trạng… Tiêm vắc xin cúm mùa có thể được coi là biện pháp dự phòng có hiệu quả. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời; tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị tại nhà.
Đề cập đến những đối tượng khi nhiễm vi rút Adeno sẽ khiến bệnh nặng lên, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn lưu ý, trong một số trường hợp hiếm hoi, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn nếu nhiễm Adeno như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm gan... Nếu để muộn có thể tử vong. Do đó, cha mẹ khi thấy con mắc bệnh, hãy quan sát tình trạng của trẻ. Nếu thấy trẻ có ít nhất một trong 3 biểu hiện sau thì cần đưa con đi khám kịp thời: Sốt cao kéo dài (có thể trên 40 độ C), hơi thở nặng nề, da tái nhợt, lơ mơ, ho khan dữ dội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.