Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lúng túng vì thiếu hướng dẫn

Hà Phong| 19/07/2018 07:28

(HNM) - 2018 là năm thứ hai Hà Nội thực hiện quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.


Hiện TP Hà Nội có 411/549 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm tỷ lệ 74,9%. Khó khăn đặt ra là đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật thiếu hướng dẫn chi tiết; một số tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật còn chung chung, chủ yếu phụ thuộc vào đơn vị tự chấm điểm. Trong khi đó, một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn coi xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ của riêng ngành Tư pháp.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương, để khắc phục, Sở đã đẩy mạnh quán triệt, truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về chủ trương xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra UBND các xã, phường, thị trấn triển khai nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, Hà Nội là địa bàn rộng, nhiều đơn vị xa trung tâm, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội mỗi nơi có đặc thù riêng. Chẳng hạn, chênh lệch về trình độ và cần được hỗ trợ nhiều nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng sâu, vùng miền núi còn nhiều khó khăn tại 13 xã và 1 thôn thuộc các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ.

Vậy nhưng, đánh giá thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở lại cùng áp dụng chung một bộ tiêu chí nên khó đạt được sự đồng thuận cao. Có đơn vị làm rất chặt, bài bản nhưng cũng có đơn vị đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật hình thức, chưa thuyết phục…

Thời gian qua, quận Long Biên được Sở Tư pháp nhận định là địa phương sáng tạo trong đánh giá công nhận phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Phó Trưởng phòng Tư pháp quận Long Biên Nguyễn Tiến Linh chia sẻ, ban đầu, các phường trên địa bàn đều có báo cáo tự chấm điểm.

Vậy nhưng, phía quận lại không có tiêu chí cụ thể để chấm điểm các phường tương ứng với từng nội dung tiếp cận pháp luật ở cơ sở gồm: Thi hành Hiến pháp, pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính; thái độ, tinh thần trách nhiệm của công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Do vậy, quận Long Biên đã chú trọng xây dựng thang điểm chi tiết, lựa chọn hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp quận gồm đại diện các phòng Tư pháp, Nội vụ, Văn hóa và Công an quận. Ngoài việc hướng dẫn, các thành viên của hội đồng tiến hành chấm điểm nội dung lĩnh vực mình phụ trách và phải bảo vệ điểm số của mình, chịu trách nhiệm nếu các phường có ý kiến về điểm số đã chấm.

Dù vậy, quận Long Biên vẫn còn gặp khó khăn trong đánh giá tiêu chí triển khai tủ sách pháp luật tại bộ phận “một cửa” hiệu quả. Để đạt tiêu chí, các đơn vị phải bổ sung đầu sách hằng năm và vận động người dân đến đọc.

Trong khi đó, hiện trình độ công nghệ thông tin của người dân cao hơn trước nhiều, nên khi có nhu cầu họ đều sử dụng internet và coi đây là công cụ cập nhật kiến thức pháp luật hiệu quả nhất. Ngoài ra, tại nhiều nơi khác, điển hình là xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, chỉ có hòa giải viên, lãnh đạo thôn đến đọc sách.

Từ thực tiễn những vướng mắc, khó khăn của cơ sở, Sở Tư pháp cho biết, tới đây Sở sẽ có văn bản hướng dẫn đánh giá, tính điểm các tiêu chí tiếp cận pháp luật và các biểu mẫu làm tài liệu, hồ sơ kiểm chứng đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Trong đó có nhiều điều chỉnh để bảo đảm vừa có tính thống nhất vừa phù hợp với thực tiễn của các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lúng túng vì thiếu hướng dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.