(HNMO) - Ngày 1- 3, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” trên địa bàn Hà Nội.
Mục đích của kế hoạch là nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả, thống nhất và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp tại đề án nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. Từ đó, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trên địa bàn về tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Kế hoạch đề ra các nhóm nội dung để triển khai giai đoạn 2023-2030. Trong đó, đáng lưu ý, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân sẽ bắt đầu từ việc tuyên truyền; khảo sát đánh giá nhu cầu của người dân, xây dựng các mô hình, hình thức tiếp cận phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.
Đồng thời, thành phố củng cố, nâng cao hiệu quả đường dây nóng và các kênh tiếp nhận, trả lời kiến nghị, phản ánh, giải đáp, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Tổ chức bình chọn, tôn vinh, khen thưởng công dân gương mẫu, người tốt, việc tốt trong xây dựng, bảo vệ, thực hiện pháp luật thuộc các lĩnh vực; thu hút, biểu dương các sáng kiến hữu ích trong hỗ trợ tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.
Với vấn đề nâng cao năng lực, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, nội dung thực hiện gồm: Nâng cao nhận thức, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ quan có trách nhiệm thi hành pháp luật, tăng cường hoạt động tự giám sát, tự kiểm tra quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ...
Cùng với đó là tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về trợ giúp pháp lý cho người dân; xây dựng cơ chế thu hút luật sư, luật gia, người có kiến thức pháp luật, người có uy tín tham gia hòa giải ở cơ sở; nhân rộng mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, công tác thi đua, khen thưởng trong việc thi hành pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức trong các hoạt động liên quan đến tiếp cận pháp luật của người dân...
Về phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, phương án triển khai, gồm: Mở rộng mạng lưới các cơ quan, tổ chức hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước trong hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; tăng cường giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức trong bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn giao Sở Tư pháp chủ trì, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.