(HNM) - Trong lúc cuộc tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột đang ngày càng loang rộng ở Syria lâm vào vô vọng thì chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad lại phải hứng chịu thêm nhiều sự bao vây, cô lập trên bình diện quốc tế.
Thủ đô Damascus đã thành những đống đổ nát vì xung đột, bạo lực leo thang. |
Trong một diễn biến mới, ngày 16-8, kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), tại thánh địa Mecca, do Quốc vương Saudi Arabia Abdullah chủ trì, đa số quốc gia thành viên dự hội nghị đã nhất trí thông qua tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên của Syria. Trước đó, Ủy ban Chuyên gia do Hội đồng Nhân quyền gồm 47 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc (LHQ) được chỉ định đã đưa ra báo cáo cuối cùng kết luận, các lực lượng của Tổng thống Bashar Al-Assad đã phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại nhằm vào dân thường Syria.
Các cường quốc phương Tây một mặt không ngừng tăng sức ép lên Damascus; mặt khác lại ủng hộ phe đối lập ở nước này. Một cuộc "vận động hành lang" mới nhằm cô lập hơn nữa chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad đang được gấp rút tiến hành. Ngày 16-8, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã "có cuộc thảo luận nghiêm túc" tại Mátxcơva với các "đồng nghiệp" Nga đề cập tới lời kêu gọi chuyển giao chính trị sau nhiều tháng bất đồng liên quan đến nạn bạo
lực tại quốc gia Trung Đông này. Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết Paris có thông tin về chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad sẽ sớm bị lung lay vì có thêm các cuộc đào nhiệm "ngoạn mục". Còn tại Hội đồng Bảo an LHQ, một phiên họp đặc biệt vào tuần tới dự kiến được tổ chức để thảo luận về nhân quyền cũng như tình trạng khẩn cấp về nhân đạo ở Syria...
Trong khi đó, quân đội Syria Tự do (FSA) của lực lượng nổi dậy đã thực hiện hai vụ đánh bom liên tiếp ở trung tâm thủ đô Damascus nhằm vào trụ sở chỉ huy quân sự địa phương và khách sạn là nơi ở của các giám sát viên LHQ, làm 3 dân thường bị thương. Đấu súng cũng đã xảy ra giữa quân đội Syria và lực lượng chống đối ở ngay gần Văn phòng Thủ tướng trong khi máy bay chiến đấu của quân đội chính phủ oanh tạc thị trấn Azaz ở miền Bắc làm 80 người thiệt mạng và 150 người bị thương... Cuộc chiến tại thành phố Aleppo gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp diễn ác liệt sau hơn hai tuần giao tranh. Phe đối lập loan tin quân chính phủ đã huy động pháo hạng nặng vào chiến dịch này.
Lo ngại bạo lực leo thang, ngày 16-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại lời kêu gọi Chính phủ Syria thực hiện ngừng bắn và chấp nhận nỗ lực hòa giải quốc tế để chấm dứt tình trạng bạo lực tràn lan. Bắc Kinh kêu gọi Damascus và các nhóm đối lập nhanh chóng thực thi ngừng bắn và bắt đầu đối thoại để khởi động một tiến trình chính trị do nhân dân Syria tự quyết nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng hiện nay. 48 giờ sau khi Bộ Ngoại giao Nga hối thúc Phái đoàn quan sát viên LHQ tại Syria (UNSMIS) tiếp tục ở lại Syria - vì cho rằng UNSMIS rút đi sẽ gây "hậu quả vô cùng nghiêm trọng" cho quốc gia Trung Đông này - ngày 17-8, Hội đồng Bảo an LHQ đã quyết định không gia hạn sứ mệnh của UNSMIS tại Syria. Đây là một sự thừa nhận gián tiếp từ cơ quan quốc tế lớn nhất thế giới về sự cạn kiệt trong đối thoại và sự lựa chọn bạo lực giữa các phe phái tại Syria vào thời điểm này. Toàn bộ nhân viên UNSMIS sẽ hoàn tất cuộc rời khỏi Syria vào cuối tuần tới.
Rõ ràng, mong muốn của Nga, Trung Quốc về một giải pháp chính trị tại Syria dường như là không thể khi phe đối lập tại đây tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây và điều đó đang không giúp ngăn ngừa xung đột. Ngược lại, bạo lực đang ngày càng tăng và tác động trực tiếp đến người dân Syria vô tội. Theo thống kê mới nhất của các tổ chức quốc tế, kể từ khi cuộc xung đột xảy ra tại Syria (tháng 3-2011), đến nay khoảng 19.000 người đã bị thiệt mạng, phần lớn là dân thường. Gần 270 nghìn người Syria đã phải rời bỏ quê hương ra nước ngoài tị nạn. Ngày 14-8, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã thông báo về tình trạng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng ở Syria; theo đó, số người mất nhà cửa do xung đột ước tính đã lên tới hơn một triệu người.
Hiện tại, chưa thấy hy vọng nào về một lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Và người dân Syria vẫn phải gánh chịu hậu quả của cuộc xung đột đang ngày càng ác liệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.