Nhìn vào diễn biến và kết quả của cuộc gặp vừa rồi của bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tại Toledo (Tây Ban Nha) có thể nhận biết được rất rõ tình thế khó khăn, khó xử hiện tại của EU về đối ngoại và an ninh.
Bối cảnh chung của thế giới đang biến động rất nhanh chóng và sâu sắc kể từ khi bùng phát cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine.
Đối với EU, tình hình mới đưa lại những thách thức mới trên nhiều phương diện nhưng đồng thời cũng tạo ra cho EU nhiều cơ hội mới để gây dựng, tăng cường vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới, châu lục và khu vực, đặc biệt là cơ hội cho EU vươn lên trở thành một trong những tác nhân quan trọng và quyết định cùng kiến tạo, duy trì trật tự thế giới mới, trật tự châu lục mới cũng như trật tự khu vực mới về chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại và tài chính.
Cuộc gặp cấp bộ trưởng vừa rồi của các nước thành viên EU cho thấy EU bị động trong ứng phó thách thức và chưa tìm ra được phương cách thích hợp để tận dụng cơ hội.
Cuộc chiến ở Ukraine; bất hòa giữa các quốc gia châu Âu, kể cả trong nội bộ EU và NATO; đối phó Nga và ứng phó Trung Quốc; những cuộc đảo chính quân sự liên tiếp xảy ra ở châu Phi cùng chuyển biến rất sâu sắc, sôi động về chính trị an ninh và cục diện quan hệ quốc tế ở khu vực cũng như liên quan đến khu vực Trung Đông và Vùng Vịnh hiện đều là những vấn đề lớn buộc EU phải quan tâm hàng đầu.
EU có lợi ích thiết thực hiện tại và chiến lược lâu dài ở trong tất cả những nội dung ấy. Nhưng cho tới nay, EU gần như chỉ đuổi theo diễn biến tình hình chứ không phải tác động tới và chi phối được diễn biến tình hình. Vai trò và ảnh hưởng của EU trong công cuộc của EU, NATO và các đồng minh trong khối Phương Tây chỉ thấy giảm sút chứ không được tăng lên, càng không ngang bằng hoặc hơn những đối tác lớn khác trên thế giới.
Trong khi đó, những biện pháp chính sách của EU nhằm trừng phạt Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine không đưa lại hiệu quả ở mức độ như EU mong đợi. Việc hậu thuẫn tài chính cho Ukraine để tiếp tục chiến sự với Nga không được suôn sẻ như EU đã cam kết và tuyên cáo. Trong nội bộ, EU vẫn không hoàn toàn đồng thuận quan điểm, phối hợp hành động nhịp nhàng về hậu thuẫn Ukraine và quan hệ với Trung Quốc, Nga. EU rất mờ nhạt so với nhiều đối tác lớn bên ngoài khác trong những biến động thời gian vừa qua ở khu vực Trung Đông và Vùng Vịnh về chính trị an ninh, hoạt động ngoại giao và kinh tế, thương mại giữa trong và ngoài khu vực này.
Ở châu Phi, tình trạng lúng túng đối phó và khó xử của EU đặc biệt lộ rõ ở những gì liên quan đến các cuộc đảo chính quân sự ở Mali, Burkina Faso, Niger hay Gabon nói riêng và liên quan đến cả châu Phi nói chung.
Liên quan đến tất cả những vấn đề trên, EU đã đề ra mục tiêu để theo đuổi, đã đưa ra nhiều cam kết và đã có nhiều tuyên cáo to tát về quyết tâm và lộ trình hành động đến mức bây giờ không còn có thể cài số lùi. Lùi đã không thể, nhưng tiến bước thì lại không dễ. Tiến không dễ bởi EU muốn và có thể tham gia mọi cuộc chơi và tác động tới cuộc chơi, nhưng lại chưa đủ thế và lực để cùng quyết định cuộc chơi hay để được các bên tham gia cuộc chơi công nhận là bên có thể làm thay đổi cuộc chơi. "Lực bất tòng tâm" hay tham vọng vượt quá khả năng hiện thực hóa tham vọng cùng với bế tắc ý tưởng đột phá có thể là những nguyên do.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.