Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lục địa già đối mặt nhiều thách thức

Quỳnh Dương| 24/01/2016 05:41

(HNM) - Trong chiều dài hơn nửa thế kỷ thành lập và mở rộng, chưa lúc nào Liên minh Châu Âu (EU) lại phải đối mặt với nhiều nguy cơ có ảnh hưởng tới sự tồn vong của

Từ vấn đề việc làm và tăng trưởng kinh tế cho tới cuộc khủng hoảng di cư cộng với những vụ tấn công khủng bố đẫm máu gần đây đã đẩy Lục địa già tới tình trạng chia rẽ sâu sắc, khiến không ít người nghĩ rằng đã đến lúc liên minh sụp đổ. Vì thế, tương lai của Cựu lục địa luôn trở thành đề tài nóng bỏng trong chương trình nghị sự của các hội nghị khu vực và thế giới. Đây cũng là một phần nội dung quan trọng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 46 diễn ra tại Thụy Sĩ, từ ngày 21 đến 23-1.

Cuộc khủng hoảng người di cư là một khó khăn dài hạn với EU.


Trong số những khó khăn mà EU phải giải quyết hiện nay, vấn đề gai góc nhất là cuộc khủng hoảng di cư và những thách thức trong việc duy trì một đường biên giới chung, điều được xem là giá trị cốt lõi của một liên minh thống nhất. Với hơn 1 triệu người di cư tới Châu Âu trong năm 2015 và chỉ trong nửa đầu tháng 1 năm nay, số người di cư đến Cựu lục địa bằng đường biển đã cao gấp 10 lần so với cả tháng 1 năm ngoái, các thành viên EU đang phải vật lộn để đạt được một thỏa thuận nhằm ứng phó tốt nhất cho cuộc khủng hoảng được coi là lớn nhất kể từ Thế chiến lần thứ II.

Tại Diễn đàn Davos, Chủ tịch Ủy ban Cứu hộ quốc tế David Miliband nhận định: Nếu 2015 là năm thử nghiệm lớn nhất cho năng lực quản lý khủng hoảng của Châu Âu thì năm 2016 sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Trong khi đó, tỷ phú Mỹ George Soros cảnh báo EU "đang tan rã", thể hiện qua sự hoảng loạn trong chính sách tiếp nhận người di cư và số lượng người tị nạn đã vượt qua giới hạn mà các nước thành viên liên minh có thể tiếp nhận.

Những ngày gần đây, nỗi sợ hãi trước nguy cơ an ninh bị đe dọa đang dẫn đến những suy nghĩ rằng cần phải hủy bỏ Hiệp định Tự do đi lại (Schengen). Mặc dù nhiều quốc gia trụ cột của EU phản đối gay gắt quan điểm này, song việc nhiều nước thành viên siết chặt kiểm soát biên giới để ngăn dòng người di cư cho thấy Schengen đang dần mất hiệu lực. Điều này đang trở thành mối đe dọa cho "Dự án Châu Âu" bởi việc đóng cửa biên giới các nước trong khối Schengen sẽ gây ra những thiệt hại khổng lồ về kinh tế và chính trị.

Đã có thêm nhiều dự báo về những thách thức của EU được đưa ra ngoài cuộc khủng hoảng người di cư trong thời gian tới. Trước hết, liên minh càng phát triển thì nội bộ lại xuất hiện nhiều hơn các xu hướng đòi tự trị của một số khu vực. Điều này dẫn tới việc EU sẽ phải chứng kiến sự gia tăng của chủ nghĩa địa phương hóa, khu vực hóa và các nước trong liên minh có xu hướng tự quyết. Xét ở khía cạnh này, Anh đang là một ví dụ điển hình. Trong 5 năm trở lại đây, London luôn được xem như "nhịp đập" tách rời trong "guồng máy 28 bánh xe" này.

Theo quan điểm của London, mô hình liên kết EU có nhiều lỗi hệ thống đã cản trở sự phát triển và phồn vinh của các nước thành viên và chưa bao giờ tương lai của Châu Âu lại mù mịt như hiện nay. EU cần một cuộc cải tổ sâu rộng hoặc Anh sẽ đơn phương đòi hỏi sửa đổi tư cách của mình trong khối. Càng ngày, càng nhiều người dân ở quốc đảo này có lý do để tin rằng, vị thế và ảnh hưởng quốc tế của họ không thể "chìm nghỉm" như cảnh báo của một số lãnh đạo EU khi rời khỏi liên minh này. Lo ngại lớn nhất hiện nay là, thời gian để các cử tri Anh quyết định tương lai của họ trong EU không còn nhiều trong khi những rắc rối dường như vẫn chưa có xu hướng "buông tha" Lục địa già. Dự kiến, các nhà lãnh đạo EU có thể triệu tập một hội nghị thượng đỉnh bổ sung vào cuối tháng 2 tới để hoàn tất thỏa thuận liên quan đến đề xuất cải cách EU của Thủ tướng Anh. Đây được cho là cơ hội cuối cùng trong nỗ lực tránh cho Cựu lục địa cú chia tách lịch sử.

Với những thách thức này, 2016 được xem là năm vô cùng quan trọng, quyết định sắc diện của "bức tranh EU" trong thập kỷ tới. Làm thế nào để hàn gắn chia rẽ, thống nhất lập trường, khiến cho cỗ máy hòa chung một nhịp là một nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với các nhà lãnh đạo EU.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lục địa già đối mặt nhiều thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.