(HNM) - Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Tuy nhiên, cho tới nay mới có khoảng 50% bộ, ngành, địa phương ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng.
Các đơn vị sử dụng tài sản công phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. |
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 21-6-2017, có hiệu lực từ ngày
1-1-2018. Tuy nhiên, tiến độ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng còn chậm. Đến nay, mới có khoảng 50% bộ, ngành, địa phương ban hành tiêu chuẩn, định mức. Sự chậm trễ của một số bộ, ngành đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản công.
Tại hội nghị đánh giá triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, việc các bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội chưa ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng đã khiến các địa phương không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các đơn vị trực thuộc. Sự chậm trễ này cũng khiến một số địa phương, đơn vị chưa ban hành kịp thời các văn bản phân cấp theo thẩm quyền. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị vẫn tiếp tục sử dụng quy định phân cấp đã ban hành trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành. Bởi vậy đã dẫn đến những quyết định sai thẩm quyền khi mua sắm, thuê, sử dụng, xử lý tài sản công, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Trước thực tế này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cùng đề xuất: Bộ Tài chính cần đôn đốc, phối hợp với các bộ để sớm có hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức việc sử dụng tài sản chuyên dùng, giúp các địa phương không bị lúng túng trong thực hiện.
Bên cạnh đó, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công cũng đang tồn tại nhiều bất cập khi áp dụng trên thực tế. Cụ thể, nghị định này chưa bao quát hết các đối tượng; phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất còn chưa hợp lý. Bên cạnh đó, việc xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp nhà, đất thuộc đối tượng sắp xếp lại; xử lý nhà, đất theo quy định tại các quyết định khác chưa rõ ràng. Điều này đã gây khó khăn cho các địa phương khi triển khai.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Bộ đang rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới bảo đảm phù hợp với quy định của luật và các văn bản dưới luật quy định chi tiết một số nội dung.
Bộ Tài chính cũng đề nghị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh sớm ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, ngày 26-12-2017 (quy định chi tiết về Luật Quản lý sử dụng tài sản công). Các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh cần sớm chỉ đạo việc xây dựng, ban hành kịp thời tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng. Bởi, đây là cơ sở quan trọng để các địa phương, đơn vị thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, cùng với việc đôn đốc các bộ, ngành, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản công từ khâu lập dự toán, đầu tư xây dựng, mua sắm, xử lý tài sản… để phòng ngừa sai phạm nảy sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.