(HNM) - Mối quan hệ
Cư dân quần đảo Falklands/Malvinas ủng hộ vùng lãnh thổ này thuộc về nước Anh trong khi Argentina tuyên bố chủ quyền. |
Theo thông báo của Đại sứ quán Argentina tại Anh, Quốc hội Argentina vừa thông qua luật mới nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác dầu khí ở ngoài khơi quần đảo Malvinas/Falklands, mà nước này cho là vi phạm các quyết định của Liên hợp quốc (LHQ). Theo đó, các công ty dầu khí có thể chịu mức phạt tương đương giá trị 1,5 triệu thùng dầu, bị tịch thu thiết bị và lượng hydrocarbon khai thác trái phép, trong khi các quan chức điều hành những công ty này sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 15 năm. Ngoài ra, các cá nhân và công ty vi phạm sẽ bị cấm hoạt động ở Argentina. Đại sứ quán Argentina cũng khẳng định chính phủ nước này phản đối và bác bỏ tất cả các kế hoạch của Anh nhằm thúc đẩy và cho phép các hoạt động thăm dò và khai thác hydrocarbon ở khu vực thuộc thềm lục địa của Argentina. Bởi lẽ, các kế hoạch này đi ngược lại với Nghị quyết 31/49 của Đại Hội đồng LHQ, yêu cầu Anh và Argentina không đưa ra các quyết định đơn phương dẫn đến việc thay đổi tình hình quần đảo trên trong khi tranh chấp chủ quyền giữa hai nước vẫn đang chờ được giải quyết.
Phản ứng trước thông tin trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho rằng các hoạt động thăm dò và khai thác hydrocarbon của bất cứ công ty nào hoạt động trên thềm lục địa của quần đảo Malvinas/Falklands được quy định bởi luật pháp của chính quyền Malvinas/Falklands và phù hợp với Công ước về Luật Biển của LHQ. Các hoạt động như thế là hoàn toàn chính đáng, hợp pháp và Chính phủ Anh hoàn toàn ủng hộ quyền của người dân Malvinas/Falklands phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích kinh tế của họ. Theo người phát ngôn này, các bộ luật của Argentina không thể áp dụng được với quần đảo Malvinas/Falklands, South Georgia hay South Sandwich, vốn là lãnh thổ hải ngoại của Anh.
Quần đảo Malvinas/Falklands nằm cách bờ biển Argentina khoảng 650km và cách Anh gần 8.000km, với tổng diện tích khả thi cho khai thác dầu khí lên tới 400.000km2. Quần đảo này bị quân đội Anh chiếm từ năm 1833. Năm 1982, Argentina đã tấn công quân đồn trú của Anh và chiếm lại được quần đảo trong 74 ngày, nhưng sau đó lại bị đánh bại. Nằm ở nam Đại Tây Dương, Malvinas/Falklands từ lâu được coi là điểm trung chuyển chiến lược và dồi dào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nó là bàn đạp cho bất kỳ lực lượng nào muốn tiến hành các nhiệm vụ quân sự và dân sự ở Nam Cực. Với nước Anh, vị trí này rất quan trọng trong việc tăng cường kiểm soát ở khu vực Nam Mỹ. Vai trò về giao thông và kinh tế của quần đảo cũng được khẳng định. Ngoài những hoạt động truyền thống về khai thác than, đánh bắt cá và cảng biển, những giếng dầu trong vùng lãnh hải của quần đảo hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho người dân ở Malvinas/Falklands và Anh với trữ lượng lên tới 60 triệu thùng (tương đương 9,5 tỷ mét khối). Mặc dù quần đảo ở nam Thái Bình Dương nằm trong thềm lục địa của Argentina tuân theo Hiệp ước LHQ về thềm lục địa (năm 1958) và Chính phủ Argentina luôn nỗ lực tìm mọi phương cách để buộc Anh ngồi vào bàn đàm phán giải quyết tranh chấp nhưng chưa thành công. Đến nay, việc đấu tranh giành lại chủ quyền của Argentina ngày càng trở nên khó khăn. Bất đồng ngoại giao giữa Argentina và Anh gia tăng căng thẳng kể từ năm 2010, khi London cho phép tiến hành hoạt động thăm dò dầu mỏ tại vùng biển quanh quần đảo tranh chấp. Trong cuộc trưng cầu ý dân ở quần đảo tranh chấp hồi tháng 3-2013, có tới 98% người dân tại đây bỏ phiếu ủng hộ giữ quy chế Malvinas/Falklands là một trong những vùng lãnh thổ của Anh ở hải ngoại. Tuy nhiên, Argentina tiếp tục đưa tranh chấp về quần đảo này lên LHQ. Dù tổ chức đa phương lớn nhất thế giới đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp nhưng Anh cho rằng thương thuyết là không cần thiết vì phải tôn trọng quyền và nguyện vọng của người dân trên quần đảo này. Chính phủ Anh cũng chưa bao giờ thừa nhận đang tồn tại tranh chấp về chủ quyền ở quần đảo Falklands/Malvinas và chỉ thảo luận với Argentina về vấn đề này khi người dân tại đây thể hiện mong muốn.
Vì vậy, số phận của quần đảo tranh chấp sẽ còn tiếp tục là chủ đề làm nóng mối quan hệ giữa Anh và Argentina. "Vụ án" này cũng làm dày thêm "tập hồ sơ" tranh cãi lãnh hải trên khắp thế giới trong bối cảnh mọi đại dương đều đang dậy sóng, mọi đường giao thông hàng hải đều đang trở thành điểm nóng, mọi khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên đều rất dễ trở thành mục tiêu để khẳng định chủ quyền. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, luật pháp quốc tế là cơ sở cốt lõi để hóa giải bất đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.