Tài chính

Giảm vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn: Tổ chức tín dụng gặp khó?

Hà Linh 26/09/2023 - 18:14

Theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1-10-2023, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng phải giảm về 30% thay vì 34% như hiện nay.

Vậy các tổ chức tín dụng gặp khó khăn gì với quy định này?

giao-dich-vietcombank-26-9.jpg
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank.

Nhiều lần thay đổi

Trong 20 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 7 lần thay đổi quy định về tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn. Chẳng hạn, thời điểm tháng 9-2009, tỷ lệ này là 30% với ngân hàng thương mại. Sau đó, cơ quan này tiếp tục ban hành quy định trở lại tỷ lệ giới hạn 60%, rồi giảm về 45% và 40% từ ngày 1-1-2019 và từ 1-10-2023, kéo xuống 30%.

Đến ngày 15-9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Đây là mức tăng trưởng “khiêm tốn” so với cùng thời điểm những năm trước. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 30% cũng khiến không ít người lo ngại sẽ ảnh hưởng đến đà tăng tín dụng của các ngân hàng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có tới 88% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là tiền gửi dưới 12 tháng, song 52% dư nợ tín dụng của hệ thống lại là trung và dài hạn. Vì vậy, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là cần thiết để tránh rủi ro.

Tính đến tháng 7, hầu hết ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn là dưới 34% . Cụ thể, tỷ lệ này duy trì ở mức 32,66% với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, cao hơn so với nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là 24,97%. Xét chung toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đang là 26,14%.

Như vậy, không phải chờ đến ngày 1-10 để thực hiện quy định mà các ngân hàng đều đã đạt được tiêu chí.

Trước đó, theo khảo sát từ Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), từ cuối năm 2022, hầu hết ngân hàng đều đã đưa tỷ lệ vốn huy động để cho vay trung, dài hạn xuống dưới 30%. Chẳng hạn, ở nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), tỷ lệ này là 26%; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank): 25%; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): 22%; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank): dưới 10%.

Với nhóm ngân hàng cổ phần như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là 29% nhưng với Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) chỉ ở mức 8%...

Rõ ràng, hầu hết ngân hàng không chịu ảnh hưởng bởi quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Không “sốc”

Đại diện một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội cũng cho biết, do lộ trình áp dụng quy định trong Thông tư 08 khá dài nên các ngân hàng cổ phần đều có sự chuẩn bị, không bị “sốc”. Thực tế, quy định này sẽ giúp hoạt động tín dụng được lành mạnh hóa, cũng như bảo đảm thanh khoản cho cả hệ thống ngân hàng.

Dù vậy, cũng có ý kiến, về ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ trên sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay những kỳ hạn dài trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ. Đồng thời, Thông tư 08 phần nào gây áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng, làm tăng chi phí vốn, gây áp lực làm thu hẹp biên lãi ròng (NIM). Song, đa số phân tích cho thấy, việc áp dụng quy định mới sẽ giúp ngân hàng kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản.

Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng: Đến lúc thực hiện lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Vì nếu để ngân hàng thương mại đảm đương vai trò vốn trung, dài hạn, rồi cứ nới trần lấy ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, sẽ tiếp tục chịu rủi ro.

Thực tế, ngân hàng chỉ nên được coi là một trong những kênh huy động vốn của doanh nghiệp. Ngoài việc "gõ cửa" ngân hàng, doanh nghiệp cần tính đến huy động vốn qua trái phiếu hoặc gọi góp vốn từ các đối tác trong, ngoài nước.

Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, cần có giải pháp nhanh chóng ổn định và phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu nhằm góp phần tạo ra kênh dẫn vốn trung, dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường bất động sản, đồng thời, giảm áp lực cung ứng vốn từ kênh tín dụng.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, hiện nay, vốn đầu tư trung, dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Để bảo đảm nguồn vốn cho phát triển kinh tế thì cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán. Theo đó, cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn: Tổ chức tín dụng gặp khó?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.