(HNM) - Do ảnh hưởng của rãnh thấp bị nén, kết hợp với hội tụ trên cao, mấy ngày qua, tại các tỉnh miền núi phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to gây thiệt hại nặng về người và tài sản.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) trung ương, do ảnh hưởng của mưa lũ đã gây sạt lở đất, làm 6 người ở thị trấn Tam Đường, tỉnh Lai Châu bị chết; 4 người bị thương; 5 nhà bị sập đổ do sạt lở đất và bị ngập; khoảng 2.500m3 đất đá sạt trượt bồi lấp công trình thủy lợi; một số tuyến đường giao thông trên tỉnh lộ 127 bị tắc đường do sạt lở đất… Ngay sau khi xảy ra lũ quét, lực lượng chức năng huyện Tam Đường đã tổ chức cứu nạn, tìm kiếm thi thể các nạn nhân, hỗ trợ thân nhân gia đình bị nạn tổ chức mai táng nạn nhân... Tại tỉnh Lào Cai, mưa lớn đã khiến tỉnh lộ 158 bị sạt lở đất khiến giao thông bị đình trệ. Còn tại tỉnh Hà Giang, thôn Nà Sáng, xã Minh Sơn (huyện Bắc Mê) xảy ra sạt lở đất đá làm sập đổ 3 ngôi nhà, rất may không thiệt hại về người. Do mưa kéo dài nên bùn đất nhão, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất vẫn có thể xảy ra tại các tỉnh phía Bắc.
Nhiều tuyến đường Hà Nội ngập sau trânh mưa sáng 13-8. Ảnh: Zing |
Do mưa kéo dài, chiều tối 13-8, lưu lượng nước đổ về các hồ Sơn La lên mức 10.000 - 12.000m3/s. Dự báo, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái sáng nay (14-8) lên trên mức báo động 1 và tiếp tục lên. Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang trong mùa lũ hằng năm, Ban Chỉ đạo PCLB trung ương đã lệnh mở 1 cửa xả đáy thủy điện Hòa Bình vào lúc 12h ngày 13-8; tương tự thủy điện Sơn La mở 1 cửa xả đáy lúc 13h. Lưu lượng xả các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình tiếp tục được điều tiết theo diễn biến thời tiết. Vì vậy, mực nước trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình tăng cao những ngày tới.
Ngày 13-8, Ban Chỉ đạo PCLB trung ương đã có công điện khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và các bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp đối phó với các tình huống mưa lũ, cảnh báo cho người dân ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, các chủ đầu tư, đơn vị có công trình đang thi công ở vùng ven sông, trên sông, chủ phương tiện vận tải thủy biết thông tin để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và phương tiện; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu…
* Sáng 13-8, Ban Chỉ huy PCLB TP Hà Nội đã ban hành công điện yêu cầu các quận, huyện, thị xã ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố chủ động các phương án ứng phó hiệu quả với lũ trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.