(HNMCT) - Là một nghệ sĩ tài năng, trưởng thành từ sân khấu Tuồng, lại kinh qua vị trí Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nay đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ luôn đau đáu với vấn đề đào tạo nguồn nhân lực kế cận cho nghệ thuật truyền thống.
Ông đã chia sẻ với Hànộimới những trăn trở của mình về hành trình “đốt đuốc tìm người tài” cho sân khấu truyền thống hiện nay.
- Lại một mùa tuyển sinh nữa sắp đến, trong khi các ngành nghệ thuật khác khá sôi động thì sân khấu truyền thống vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc về mặt số lượng thí sinh. Và nhiều người lo ngại chúng ta vẫn sẽ rơi vào tình trạng thí sinh đăng ký không đủ chỉ tiêu như nhiều năm trở lại đây. Ông nghĩ sao về điều này?
- Sân khấu truyền thống nói riêng và những ngành đào tạo có tính đặc thù nói chung phải có một chế độ đặc thù. Văn học nghệ thuật là một bộ phận quan trọng của văn hóa, do vậy phải được ứng xử bằng chế độ chính sách sao cho hiệu quả. Nếu nhận thức đấy là một giá trị thì phải nuôi dưỡng, phải có chế độ đặc thù, nếu không các bạn trẻ sẽ không có trách nhiệm với văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Những bạn có sắc, có giọng, có thể ra ngoài kia làm MC đám cưới một buổi cũng có tiền triệu, trong khi nghệ sĩ truyền thống diễn một đêm chỉ có mấy trăm nghìn đồng. Chỉ cần đặt ra bài toán kinh tế như vậy cũng đủ lý giải vì sao nhiều người không mặn mà, không muốn tiếp tục đời sống truyền thống này.
Các em trẻ còn phải nghĩ tới tương lai, bỏ cuộc đời vào nghệ thuật truyền thống mà không hiệu quả thì theo học làm gì, làm sao tuyển sinh được. Sân khấu Tuồng mấy năm nay không tuyển sinh được, không chỉ diễn viên mà ngay bản thân những tác giả, đạo diễn sân khấu truyền thống cũng rất hiếm vì đầu vào, đầu ra hạn chế. Không ai có vở diễn mà đưa ra là các đoàn họ nhận ngay đâu, hiếm lắm, trăn trở lắm mới ra được một tác phẩm về sân khấu truyền thống trong khi số đoàn ít, số vở dựng mỗi năm cũng rất hẻo. Không được dựng thì họ sáng tác để làm gì nên cũng khó thu hút được người tài. Vậy nên phải có cơ chế, chính sách phù hợp.
- Việc đòi hỏi cơ chế đặc thù trong các ngành nghệ thuật truyền thống đã được đặt ra từ lâu song hiện nay vẫn có nhiều vướng mắc, nhiều chính sách chưa phù hợp với thực tiễn đời sống. Chẳng hạn như chúng ta đòi hỏi phải có cơ chế đào tạo đặt hàng, nhưng nhiều em sau đào tạo vẫn bỏ nghề vì lương thấp. Có vẻ như chúng ta đang rơi vào một vòng luẩn quẩn giữa đòi hỏi và đáp ứng, phải không thưa ông?
- Cơ chế đào tạo đặc thù thông qua đặt hàng đào tạo đến nay đã thực hiện một thời gian nhưng để có được chất lượng tốt thì tôi nghĩ phải có nhiều chính sách đồng bộ hơn nữa. Lớp Tuồng vừa tốt nghiệp có khoảng 30 em, được đào tạo theo cơ chế đặt hàng, lẽ ra sau tốt nghiệp sẽ về các nhà hát nhưng một số em vẫn bỏ. Các em đã được đào tạo, được tạo điều kiện đầu ra nhưng không thể chấp nhận mức lương 2-3 triệu đồng/tháng. Rõ ràng cơ chế mình đặt ra vẫn nhỏ giọt, không bõ bèn gì. Chúng ta cứ tưởng như thế là ổn nhưng ra trường đi làm được 2 triệu đồng thì với số tiền ấy làm sao mà sống được, nào thuê nhà, tiền điện nước ăn uống... mà đi biểu diễn thì khán giả đến lưa thưa, bồi dưỡng một tối được mấy chục nghìn đồng.
- Sẽ rất khó nếu chúng ta cứ trông chờ vào cơ chế, chính sách mà không có sự vận động bởi cơ chế, chính sách dù tốt bao nhiêu cũng không thể nào đáp ứng được hết đòi hỏi, phải không thưa ông. Người ta vẫn nói: Cho cần câu chứ không cho con cá. Vậy “cái cần câu” mà nghệ thuật truyền thống cần lúc này là gì?
- Tôi nghĩ trước nhất đó là phải tạo điều kiện cho các nhà hát truyền thống có được một cơ sở vật chất tốt, đủ đáp ứng đòi hỏi của thời đại. Chẳng hạn rạp Hồng Hà của Nhà hát Tuồng Việt Nam được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX với tên gọi rạp Olympia, sau này được giao cho Nhà hát Tuồng quản lý, trải qua gần trăm năm đến giờ có gì thay đổi không? Ở nước ngoài, sân khấu của người ta đã hiện đại đến mức chỉ bấm nút một cái là chuyển cảnh. Sân khấu sắp tới của thời 4.0, 5.0 là cái gì, chúng ta phải tiếp cận được kỹ thuật, công nghệ, kỹ xảo ra sao nếu không khán giả sẽ quay lưng lại... Đòi hỏi của đời sống, khán giả là thế nhưng đến nay sân khấu của chúng ta cũng không khác gì nửa thế kỷ trước. Đấy là những cái cần phải đầu tư để khán giả đến với sân khấu truyền thống. Khi có phương tiện, có nhà hát tiêu chuẩn cao thì người ta sẽ có nhiều chương trình để kết hợp, tạo ra lợi nhuận, từ đó mới thu hút được nhân lực chất lượng cao đến với nghệ thuật truyền thống.
- Một điều quan trọng nữa đó là sự thay đổi từ chính sân khấu truyền thống, làm thế nào để khán giả trẻ họ hiểu, họ yêu thì họ mới học, mới bám trụ nghề, phải không thưa ông?
- Chúng tôi cũng đã mở một sân khấu học đường để tìm kiếm khán giả và thế hệ kế cận cho sân khấu truyền thống. Có thể các em học sinh thích hay không thích nhưng các em phải hiểu được giá trị của sân khấu truyền thống, phải biết tại sao ngày xưa ông cha ta lại xây dựng nhân vật đó, vì sao mà nghệ thuật đó được thế giới ca ngợi. Hay cách hóa trang, phục trang, múa, hát rồi cách xử lý không gian sân khấu truyền thống vì sao lại như vậy...
Bên cạnh đó về nội dung sân khấu phải có những phá cách về nội dung, gần gũi với đời sống hôm nay hơn. Nếu không thì chúng ta cứ luôn luôn hô hào mà chẳng mang lại hiệu quả gì. Sau hội thảo, sau tổng kết, đánh giá, đâu lại vào đó, cuộc sống cứ trôi đi và chúng ta bị đẩy ra rìa của sự phát triển thì hết sức tiếc nuối. Lớp trẻ hôm nay phải được gieo tình yêu nghề và phải làm giàu cho nghệ thuật truyền thống. Các cụ đã để lại cho chúng ta di sản này, đã giữ gìn nó qua bao nhiêu thời kỳ, nhưng đến ngày hôm nay và mai kia nó như thế nào phải nhờ vào lớp trẻ.
Cơ chế thị trường hôm nay khốc liệt hơn những giai đoạn trước, chúng ta đang trải qua cuộc cạnh tranh về nghe nhìn trong khi trước đây sân khấu là độc tôn, được xem một đoàn văn công đến thì cả làng, cả xã xôn xao, các chiến sĩ bộ đội chỉ ước mong được xem một buổi văn công trước khi vào chiến trận... Ngày nay không phải như thế nữa. Muốn cạnh tranh được, chúng ta phải có đội ngũ tài năng, phải có sự đột phá cả về sáng tác lẫn biểu diễn.
- Ông cũng từng đi tham khảo nhiều sân khấu lớn trên thế giới. Có mô hình hỗ trợ nghệ thuật truyền thống nào trên thế giới mà chúng ta có thể áp dụng không, thưa ông?
- Tôi nghĩ Trung Quốc mới đầu cũng có vẻ lúng túng nhưng ngoài hỗ trợ đào tạo, có cơ chế đặc thù về thu nhập, họ còn giao cho các nhà hát cơ sở vật chất đủ tốt để có thể chủ động được. Với một nhà hát hiện đại thì các đơn vị nghệ thuật truyền thống có thể gắn hoạt động của mình với nhiều loại hình hoạt động khác, đặc biệt là liên kết với hoạt động du lịch. Nghệ thuật truyền thống ngày nay rất phù hợp khi đưa vào du lịch bởi du khách đến đâu cũng muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống ở địa phương, quốc gia đó.
- Cảm ơn ông đã chia sẻ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.