(HNM) - “Tổ tiên bao đời đã thường xuyên ra ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa để đánh bắt thì nay con cháu tiếp tục bám biển, bám ngư trường truyền thống ấy cho dù gặp khó khăn”. Đó là quyết tâm của ông Lê Hơn và cũng là của nhiều ngư dân đảo Lý Sơn.
Lùng nhùng cơ chế, chính sách
Ở huyện đảo Lý Sơn, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI vẫn xác định kinh tế biển là mũi nhọn. Trên cơ sở đó, UBND huyện xây dựng kế hoạch để phát triển vì kinh tế biển chiếm tỷ lệ trên 50% cơ cấu kinh tế của huyện. Kế hoạch này được tuyên truyền thấm tới tận người dân. Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hải Đặng Thành còn nắm vững, đi biển là nghề chính của ngư dân trên đảo. Thầy Thành khẳng định: “Để giảm sự thiệt hại về người và phát triển nghề đi biển, các cơ quan chính quyền cần có chính sách để có thể trang bị những thiết bị mới cùng tàu thuyền hiện đại hơn”.
Huyện đảo Lý Sơn ngày càng khang trang, hiện đại hơn. |
Mặc dù, những năm qua, chính quyền và nhân dân đảo Lý Sơn đã có nhiều nỗ lực để hiện đại hóa đội tàu và trang thiết bị nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc. “Chính vì thế việc có một đội tàu hùng hậu, hiện đại, chất lượng và an toàn vẫn chưa thành hiện thực”, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch huyện đảo Lý Sơn thừa nhận.
Nhằm tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đóng mới các tàu thuyền vỏ thép công suất lớn có thể vươn khơi xa, Chính phủ đã có Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ban hành ngày 7-7-2014 “Về một số chính sách phát triển thủy sản” và mới đây là Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ban hành ngày 7-10-2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Cả hai nghị định đều được huyện triển khai sớm đến các địa phương, nghiệp đoàn, ngư dân. Số lượng đăng ký được tỉnh phê duyệt cho huyện là 35 tàu, đến nay, đã có 21 tàu đăng ký đóng mới.
Tuy nhiên, hiện chỉ bên Nghiệp đoàn Nghề cá An Vĩnh đóng được 3 tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và đã đi vào hoạt động, còn bên Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải chưa đóng được tàu nào. Ông Lê Hoài Ân, Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết, xã mới chỉ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư một chiếc tàu gỗ có công suất nhỏ. Đó chính là chiếc tàu được Nghiệp đoàn giao cho ngư dân Bùi Văn Phải. Ông Ân mong muốn, ngư dân xã An Hải sẽ được vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP để đóng mới tàu to hơn và chuyển đổi nghề nghiệp sang khai thác mực, cá ngừ đại dương. Như vậy, ngư dân có thể bám biển khai thác nhiều ngày trên biển tạo nguồn thu cao, ổn định hơn.
Nghị định 67/2014/NĐ-CP có quy định, khi đóng tàu vỏ thép thì người dân được vay ưu đãi 95% và chỉ phải bỏ 5% vốn đóng tàu. Nhưng vấn đề là người dân lại chưa quen đánh bắt bằng tàu vỏ thép nên họ băn khoăn không biết tàu này có hoạt động hiệu quả và thuận lợi hay không. Còn nếu đóng tàu vỏ gỗ, người dân được vay 70% còn thì phải bỏ ra 30%. Đã khó khi phải chi ra 30%, mà chính sách, thủ tục cho vay của ngân hàng khá khắt khe, khiến người dân chưa biết phải làm sao. Chẳng hạn, trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định khi đóng tàu thì phải dùng máy mới, nhưng để mua máy mới thì phải bỏ ra một số tiền lớn. Những ngư dân đi biển lâu năm đều có kiến nghị, nên cho phép dùng các máy đã qua sử dụng mà còn khoảng 70 - 80% năng lực để giảm chi phí.
“Nếu ngư dân tiếp cận được nguồn vốn này thì gánh nặng tài chính trên vai họ sẽ giảm đi rất nhiều”, Phó Chủ tịch huyện Phạm Thị Hương khẳng định. Thực tế, đội tàu đang đánh bắt xa bờ với công suất lớn và trang thiết bị hiện đại thì đa phần là do ngư dân tự bỏ vốn bằng cách vay mượn trong dòng họ, anh em và thậm chí có tàu còn phải vay của chủ nậu. Đã vay của chủ nậu thì khi đi đánh bắt về phải bán cho chủ nậu, lại bị ép giá. Công sức ngư dân bỏ ra không được hưởng là bao.
Ông Lê Khuân, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Vĩnh khẳng định, ngoài việc mong muốn được tiếp cận nguồn vốn Nhà nước ra, ngư dân Lý Sơn chỉ có 2 đề nghị chính. Một là, ngư dân mong Nhà nước ta tăng cường lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư để thường xuyên có mặt ở hai ngư trường truyền thống góp phần bà con an tâm bám biển. Hai là, theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ “Về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa”, thì điều kiện hỗ trợ một chuyến biển của ngư dân là cần nhắn đủ 15 tin nhắn về. Nhưng thực tế là khi ra đến Hoàng Sa đánh bắt, nhiều lúc bà con mới chỉ nhắn được 10 hoặc 11 tin thì đã bị tàu lạ ra cướp phá tài sản và lấy mất e-com. “Như thế thì thiệt thòi cho bà con quá!”, ông Khuân than phiền. Ông còn đưa ra ví dụ cụ thể: Ngày 7-8-2014, tàu anh Trần Hiền đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa mới nhắn được 11 tin thì bị phía những kẻ xâm phạm phá tài sản, thiệt hại hơn 100 triệu đồng nhưng cuối cùng lại không được hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg. Trường hợp nữa là tàu của ông Nguyễn Văn Giáp bị thiệt hại vào ngày 12-2-2015, cũng chỉ nhắn được 11 tin nhắn.
Nỗi lo nhân lực cho kinh tế biển
Đó là một mối lo về lâu về dài, ai sẽ là người kiên trì ra khơi, bám biển. Theo UBND huyện Lý Sơn, đến nay, tổng số tàu thuyền trên địa bàn huyện Lý Sơn có 425 chiếc. Trong đó, có 130 chiếc có công suất từ 90 CV trở lên chuyên đi đánh bắt ở các vùng biển xa bờ. Những chiếc tàu này chủ yếu đánh bắt ở hai ngư trường là Hoàng Sa và Trường Sa. Số lao động trực tiếp trên biển là hơn 3.000 người. Chính nguồn nhân lực và đội tàu này đã đóng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện.
Tuy nhiên, số lượng người và số lượng tàu thuyền đi biển dài ngày đang có xu hướng giảm dần trước những khó khăn thực tế. Theo thống kê, khi thành lập vào ngày 25-7-2012, Nghiệp đoàn Nghề cá An Vĩnh có tất cả 24 tàu và 290 đoàn viên. “Nhưng đến năm 2014, có một số tàu làm ăn thua sút, đánh bắt kém hiệu quả nên anh em đã bán tàu vào đất liền kiếm sống”, ông Lê Khuân cho biết. Hiện nay, Nghiệp đoàn còn 21 tàu với 243 đoàn viên đang hoạt động trên hai ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn đã bày tỏ sự lo lắng sâu sắc về nguồn nhân lực để duy trì và phát triển nghề biển, thực tế đã cho thấy việc ra khơi đánh bắt dài ngày chưa bảo đảm an toàn vì phương tiện nhỏ, trang thiết bị chưa hiện đại và lại gặp nhiều rủi ro từ thiên tai, địch họa. Nhiều gia đình trên đảo đã đầu tư cho con em học hành với mong muốn sau này không phải đánh cược mạng sống với biển để mưu sinh. Bà Hương đã có tầm nhìn chiến lược khi khẳng định: “Về lâu dài, việc phát triển nguồn nhân lực đánh bắt xa bờ sẽ gặp nhiều khó khăn không chỉ riêng ở huyện Lý Sơn và tỉnh Quảng Ngãi”.
Để phục vụ chiến lược biển, nguồn nhân lực phải có chất lượng cao thì mới có thể sử dụng được những con tàu vỏ thép công suất lớn và trang thiết bị hiện đại. Và để có nguồn nhân lực chất lượng cao thì đương nhiên cần những ngư dân có trình độ, được đào tạo ở những ngư trường đủ điều kiện. Nhưng những người có thể đáp ứng được đòi hỏi này là không nhiều. Nhiều bạn trẻ ở Lý Sơn đã mong muốn tìm một nghề khác ngoài nghề đi biển.
Thực trạng này cho thấy sự thiếu bền vững trong phát triển kinh tế biển. Do đó, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa và có một định hướng rõ ràng với những chính sách sát với thực tế hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân có thể tiếp tục vươn khơi bám biển. Ví dụ, ngay lúc này, người dân đảo Lý Sơn cần lắm có các đơn vị đóng tàu bảo đảm, chất lượng, có điểm thu mua hải sản đúng giá, có những cơ sở cung cấp dịch vụ hậu cần cho nghề cá… Làm sao để công sức ra khơi của ngư dân không bị lãng phí, được bảo đảm, có thể sống được, thậm chí giàu có nhờ đi biển. Có như thế thì mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển mới thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.