Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lộng lẫy sân khấu rối nước trị giá triệu USD tại Hà Nội

Hoàng Lân| 12/06/2017 17:49

(HNMO) - Vở diễn mang âm hưởng rối nước làm chủ đạo có tên “Thuở ấy xứ Đoài”  đã gây bất ngờ bởi sự choáng ngợp về không gian, kỹ xảo và sự đầu tư hoành tráng...

Vở diễn "Thuở ấy xứ người" khiến người xem choàng ngợp bởi sự dàn dựng hoành tráng về âm thanh, ánh sáng.


Kỹ xảo choáng ngợp

Sân khấu của “Thuở ấy xứ Đoài” được xây dựng tại Khu sinh thái Tuần Châu Ecopark (Sài Sơn, Quốc Oai), nằm ngay lối vào chùa Thầy. Nó giống như một “nhà hát” ngoài trời được xây dựng trên diện tích 1,75 ha, với đầy đủ các hạng mục như: khán đài 2000 chỗ ngồi, phần “cánh gà” là những rặng tre, trúc được trồng bao quanh, đủ kín để diễn viên có thể ẩn mình, đủ thoáng để khán giả có thể nhìn thấy cánh đồng lúa mênh mông. Điều đặc biệt của “nhà hát” thiên nhiên này là sân khấu chính được xây dựng trên diện tích hơn 3000m2 mặt nước. Tất cả hoạt cảnh của vở diễn đều diễn ra ở sân khấu tứ bề là nước, có lúc nước rút để lộ đường đi cho diễn viên, có lúc nước ngập kín lối để hiệu ứng đèn chiếu dưới nước đạt hiệu quả cao nhất. Diễn viên diễn trong sự giao hòa của nước và ánh sáng, mỗi bước đi sẽ được tính toán cẩn thận để không bị lọt chân. Ánh đèn bao quanh sân khấu kết hợp với nước tạo nên một không gian kỳ lạ, vừa như thực, vừa như mơ, lộng lẫy nhưng vẫn đủ tinh tế để thách thức thị giác của khán giả.


Màn biểu diễn trên sân khấu nước kể về cuộc sống, lao động của người nông dân.


Vở “Thuở ấy xứ Đoài” được dàn dựng làm nhiều màn, nhưng chủ đạo vẫn là rối nước. Điều khiến cho sân khấu của vở thêm phần lung linh, khác biệt và làm người xem kinh ngạc, ấy là thủy đình nặng 10 tấn có kích thước, kiểu dáng như bản gốc ẩn mình ở độ sâu 10m, từ từ ngoi lên mặt nước và di chuyển trong tiếng nhạc du dương, huyền bí đậm chất dân gian Bắc Bộ, khiến người xem có cảm giác mọi thứ ở sân khấu luôn chuyển động, xoay vần.

Thủy đình có kích thước và kiểu dáng như bản gốc được đưa lên từ dưới nước lên.


Tại khu vực khán đài, khán giả không chỉ xem tiết mục nghệ thuật mà còn được thưởng thức cuộc chơi của âm thanh, ánh sáng lộng lẫy. Trên đỉnh núi Thầy cao trăm mét, hàng chục ngọn đèn như hào quang tỏa chiếu, tô điểm cho hình ảnh của Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh hiển linh (được cho là đức thánh tổ của nghề rối nước ở chùa Thầy). Thứ ánh sáng lung linh, kỳ ảo và công phu ấy kết hợp với âm nhạc góp phần tạo nên vẻ huyền bí, lộng lẫy của chương trình.

Sản phẩm văn hóa từ người dân

“Thuở ấy xứ Đoài” do đạo diễn Việt Tú dàn dựng. Anh vốn được mệnh danh là “phù thủy” sân khấu khi dàn dựng nhiều sản phẩm văn hóa có tiếng vang, gần đây nhất là vở “Tứ Phủ” được biểu diễn trong một sự kiện du lịch tại London (Anh). Việt Tú là người duy mỹ, làm gì cũng đặt yếu tố đẹp, cầu kỳ lên trên. Việt Tú và ekip ấp ủ thực hiện vở diễn gần hai năm nhưng chưa lần nào hé tiếng khoe sản phẩm. Bởi vậy, khi bất ngờ giới thiệu “nhà hát thiên nhiên” ở khu vực chùa Thầy và vở diễn “Thuở ấy xứ Đoài”, anh đã khiến những người được xem đầu tiên phải choáng ngợp. Riêng chi phí cho sân khấu nước đã là khoảng 1 triệu USD (tương đương hơn 22 tỉ đồng). Việt Tú và ekip muốn làm một vở diễn dân gian hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm, kinh ngạc cho khán giả.


Các diễn viên diễn hoặt cảnh rối nước.


“Thuở ấy xứ Đoài” là câu chuyện cổ tích về cuộc sống sinh hoạt làng quê Bắc Bộ từ nghìn năm trước, lấy cảm hứng dàn dựng từ các tích trò rối nước dân gian như: Tễu Giáo trò, Hội làng, Nông nghiệp cấy cày, Vinh quy bái tổ… Bên cạnh kỹ xảo dàn dựng với hệ thống sân khấu nước, âm thanh và ánh sáng hoành tráng, điều mà Việt Tú và ekip sáng tạo khiến nhiều người “nể” là anh "dám" sử dụng 100% diễn viên là những người nông dân thuần chất. 150 diễn viên chính đều là những người nông dân đang sống ở Sài Sơn.

“Gốc gác của rối nước là ở đất Sài Sơn, chùa Thầy. Không gì đẹp và hấp dẫn hơn là chính những con người ở đây tự trình diễn đặc sản nghệ thuật của ông cha, tự kể câu chuyện cổ tích về đời sống, về nghệ thuật của mình”, đạo diễn Việt Tú chia sẻ. Cũng vì tham vọng thực hiện vở diễn mà 100% diễn viên là người nông dân, Việt Tú và ekip của mình đã mất gần 2 năm để kêu gọi, động viên, hướng dẫn người dân chân quê bước lên sân khấu. 

Trong thành phần diễn viên, người lớn tuổi nhất cũng hơn 80, nhỏ tuổi nhất là những cháu bé 6 - 7 tuổi, có những diễn viên là người bán hàng ở chợ, có chị chỉ chuyên việc nhà nông, có bác từ mấy chục năm nay chỉ biết mỗi nghề chăn vịt, có chàng trai là thợ sửa xe máy…


Chương trình là cuộc chơi đầy mỹ cảm của nghệ thuật truyền thống, âm nhạc và ánh sáng.


Câu chuyện về cuộc sống yên bình, yêu lao động, say sưa với các trò rối nước của mảnh đất Sài Sơn được tái hiện trong 18 hoạt cảnh như: Tễu giáo đầu, Nắng sớm, đồng giao Thả đỉa ba ba, chàng câu ếch, bà lão chăn vịt… Toàn bộ phần biên đạo được thực hiện bởi các vũ công Kiều Lê, Hà My, Xuân Sơn, Sơn Dương, Tùng Nguyễn, Đức Minh… Những người nông dân thuần chất đã có sự lột xác ngoạn mục khi cởi bỏ được sự e dè để có phần biểu diễn tự tin, chuyên nghiệp trên sân khấu. Có thể đôi lúc, khán giả sẽ nhìn thấy những ánh mắt còn ngượng ngùng, những động tác múa tập thể chưa đều tăm tắp… nhưng đấy là sự chân thật, hồn nhiên của người nông dân và cũng là sự hấp dẫn riêng của chương trình. 

“Thuở ấy xứ Đoài” được ekip thực hiện kỳ vọng sẽ là sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn của vùng ngoại ô Hà Nội. Đó không chỉ đơn thuần là chương trình biểu diễn, mà còn là cuộc chơi đầy tham vọng, liều lĩnh và công phu của âm thanh, ánh sáng mang hồn cốt là văn hóa dân gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lộng lẫy sân khấu rối nước trị giá triệu USD tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.