Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lời thề Trung hiếu

Chí Công| 25/05/2023 09:34

(HNMO) - 1. Một lễ hội tuổi đời gần 1000 năm - Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ (đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) - vừa chính thức có tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023. Có tuổi đời “non” hơn nhưng cùng được xác nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ 5 năm trước, có lễ hội Minh thề diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm tại thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, kể từ giữa thế kỷ XVI.

Tại Hội thề Trung hiếu, bá quan tham dự cùng quỳ trước thần vị, đọc lời thề: “Làm con bất hiếu/Làm tôi bất trung/Thần minh tru diệt”. Còn ở lễ hội Minh thề, những người có chức sắc cao nhất trong thôn cùng các cụ cao niên “chỉ trời vạch đất” mà đọc rằng: “Ai dùng của công vào việc công, xin thần linh ủng hộ/Người lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử/Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt! Y như lời thề!".

Hội thề Trung hiếu ở đất Thăng Long - Hà Nội có từ thời nhà Lý; tuy chỉ có quan chức triều đình tham gia, lại có tầm mức tiêu biểu quốc gia, một thời gian dài đã là Quốc lễ. Còn hội Minh thề, với hơn 500 năm lịch sử và là lễ hội địa phương, nhưng lại có mặt cả chức việc - những người gánh vác việc làng - và người cao tuổi - đại diện cho cộng đồng nhân dân bản địa tham gia. Dù cách nhau hàng thế kỷ, 2 lễ hội này cùng chung tính nhân văn sâu sắc, đề cao trách nhiệm của mỗi người từ ở diện hẹp - với gia đình, dòng tộc - cho đến diện rộng - với cộng đồng, đất nước. Ở diện hẹp, đó là hiếu kính với cha mẹ ông bà, biết ơn tổ tiên dòng giống, làm sao cho “trên thuận, dưới hòa” để gia đình êm ấm. Còn ở diện rộng, đó là hết mình vì cộng đồng, vì đất nước mà hy sinh, cống hiến. 

2. Thề, theo giải nghĩa của các từ điển, là “nói hoặc hứa một cách chắc chắn bằng cách lấy cái thiêng liêng, quý báu như danh dự, tính mạng, quỷ thần, v.v., để làm chứng, làm điều đảm bảo cho lời nói ấy”. Xem trong lịch sử nước ta, có không ít những sự kiện thề nguyện hết sức thiêng liêng.

Qua thời Lý sang đến đời Trần, sau khi Chu Văn An dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần, Hội thề Trung hiếu vẫn được duy trì nhưng lời thề có sửa thành: “Làm tôi tận trung/ Làm quan trong sạch/ Ai trái thề này/ Thần minh tru diệt!”.

Năm Bính Thân 1416, Lê Lợi cùng 18 người khác họp nhau ở Lũng Nhai (Thanh Hóa) mà thề rằng: “Chung sức đồng lòng, giữ gìn đất nước làm cho xóm làng được ăn ở yên lành. Thề sống chết cùng nhau, không dám quên lời thề son sắt”. Thực hiện lời thề này, Lê Lợi lãnh đạo quân khởi nghĩa, đánh đuổi hoàn toàn quân Minh khỏi bờ cõi nước ta năm 1418.

Sang thời hiện đại, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, trong đó có một câu thề hào hùng: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Thực hiện Lời kêu gọi, các chiến sĩ của Thủ đô Hà Nội chúng ta đã thực sự “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong 60 ngày đêm khói lửa của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp.

Năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra rất quyết liệt, Bác Hồ đi xa mãi mãi. Vĩnh biệt Người, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giương cao nắm tay, hô vang 5 lời thề: 

- “Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước, để thỏa lòng mong ước của Người”!.

- “Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng Xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”!.

- “Hết lòng, hết sức giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi”!.

- “Luôn luôn phát huy tình cảm quốc tế trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hết lòng, hết sức góp phần vào khôi phục, tăng cường nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa, giữa các đảng anh em, trên cơ sở Chủ nghĩa Mác Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản; thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương; ra sức ủng hộ phong trào cách mạng của nhân dân các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”!.

- “Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch. Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng”.

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã và đang ra sức thực hiện cho thật trọn vẹn 5 lời thề thiêng liêng ấy!

3. Ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tái dựng Hội thề Trung hiếu, đó vừa là cách giữ gìn vốn văn hóa cổ, vừa truyền thêm sức sống của thời đại, nâng cao giá trị giáo dục của hội thề trong xã hội đương đại. 

Xem từ hội Minh thề đến Hội thề Trung hiếu, từ Hội thề Lũng Nhai đến lời thề quyết tử, lời thề trước anh linh Bác, hẳn mỗi người đều có điều kiện tự soi, tự ngẫm lại mình.

Với mỗi đảng viên, hãy nhớ lại lúc đứng trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh giơ cao nắm tay thề khi vinh dự được bước chân đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện tại, dù đã có bao nhiêu năm tuổi Đảng, tự soi vào những lời thề khi được kết nạp vào Đảng, tự ngẫm xem mỗi đảng viên chúng ta có trung với Đảng, hiếu với dân không? Có đang giữ mình, rèn mình như từng thề nguyện?

Với mỗi cán bộ, công chức, viên chức thừa hành chức trách, nhiệm vụ trong hệ thống chính trị, hãy tự ngẫm xem người xưa thề “làm quan trong sạch” thì bản thân mình hôm nay đã thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” như lời Bác nhiều lần ân cần dạy bảo? Mỗi người tham gia gánh lo việc nước, dẫu không thề nhưng nếu thật sự giữ mình trong sạch như người xưa thề, thì tham nhũng, tiêu cực chắc chắn không có “đất” mà nảy sinh!

Rộng ra với mỗi người dân bình thường chúng ta - dù không phải đảng viên hay cán bộ, công chức - cũng nên thường xuyên tự hỏi: Mình có trọn đạo làm con, hiếu thuận với bề trên, hòa ái với người dưới? Bước ra phố ra đường, thấy người gặp nạn có cứu giúp, thấy đúng có mạnh mẽ bảo vệ, thấy sai có dũng cảm đấu tranh… để phố phường, tỉnh, thành, quê hương xứ sở ngày càng trở nên an lành, phát triển? 

Dự xem Hội thề Trung hiếu, rồi mỗi cán bộ, đảng viên, người dân tự phản tỉnh mình, tự nắn chỉnh thái độ, hành vi của mình cho thật cẩn trọng, mực thước thì nước càng thêm vững, Đảng càng thêm mạnh, lo gì không có một ngày dân tộc thật sự được vẻ vang!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời thề Trung hiếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.