1. Chưa có số liệu thống kê mang tính tổng thể nào thực sự chính xác nhưng hẳn khối lượng thực phẩm bẩn, mất an toàn vệ sinh thực phẩm được nhập lậu vào nước ta hằng năm rất lớn.
Những vụ việc vi phạm loại này được phát hiện tại nhiều địa bàn trên cả nước, được phản ánh hầu như hằng ngày, trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Tại Hà Nội, thị trường có sức tiêu thụ thuộc loại nhất nhì toàn quốc, tình trạng trên càng trầm trọng. Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu không bảo đảm an toàn từ các tỉnh khác vào Hà Nội vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Còn bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương than thở: "Chưa bao giờ thực phẩm bẩn lại đáng lo như năm 2013. Chúng tôi bắt giữ phụ gia thực phẩm nhập lậu phải tính bằng tấn, có hàng xe phụ gia hết hạn sử dụng từ năm 2010 vẫn đưa ra tiêu thụ".
Thực phẩm bẩn nhập lậu đã và đang đầu độc người dân cả nước, hằng ngày hằng giờ. Tương lai nòi giống đây đó đã được nhiều người lên tiếng cảnh báo.
2. Nếu như thực phẩm bẩn được nhập lậu là "vấn đề" nằm ở kênh phân phối - nhìn ở góc độ thị trường - thì thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh cũng là điều lo ngại nằm ngay ở khâu sản xuất nội địa. Ở lĩnh vực nông nghiệp, rất nhiều loại rau, củ, quả có tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép. Không ít nông dân trong khi canh tác, dành riêng những thửa để sử dụng cho gia đình, người thân trong khi sản phẩm để bán thì bất chấp mọi quy trình kỹ thuật, miễn là có chi phí thấp, thời gian sản xuất ngắn nhất để mang ra thị trường. Cũng không ít người chăn nuôi "dành" những sản phẩm động vật mắc bệnh xuất cho các khu công nghiệp theo diện hàng đông lạnh... Ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, nhiều vụ sản phẩm có tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cũng liên tục bị phát hiện...
Các nhà sản xuất nội địa, từ người nông dân đến nhiều doanh nhân đã và đang cả vô tình và cố ý đầu độc người tiêu dùng. Trong nhiều trường hợp, đây chính là một dạng tự đầu độc khi chính bản thân họ cũng phải tiêu thụ sản phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm; chính bản thân họ phải ăn, uống thực phẩm bẩn và sức khỏe đang hằng ngày hằng giờ bị ảnh hưởng.
Sự suy giảm chất lượng nòi giống đi kèm quá trình tự đầu độc này cũng đã được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các thống kê của ngành y tế về số lượng bệnh nhân nhập viện do thực phẩm bẩn với biểu hiện cấp tính và cả những hậu quả lâu dài là tình trạng gia tăng những căn bệnh nan y.
3. Lợi nhuận là yếu tố đầu tiên cần được đề cập cho cả hai thực trạng đầu độc và tự đầu độc nêu trên. Quản lý lỏng lẻo, nhiều trường hợp làm ngơ, bất lực và chế tài xử lý không đủ mạnh là những yếu tố "tiếp tay" cho mục tiêu tối thượng trên của người sản xuất, phân phối thực phẩm. Tất cả những yếu tố này không mới, trong khi đó "cuộc chiến" với thực phẩm bẩn còn lâu dài và nhiều gian nan.
Đã đến lúc phải thừa nhận đây là một cuộc chiến. Bởi cả người sản xuất và phân phối đã bất chấp tất cả, bất chấp sức khỏe bản thân, bất chấp tương lai nòi giống, miễn là có lợi nhuận đã và đang đầu độc người tiêu dùng cả nước.
Tất cả làm ngơ vì lợi nhuận, vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm…
Biểu hiện làm ngơ đến mức bình thản trước số phận của người dân nước mình, cho thấy căn bệnh tinh thần của cộng đồng đã nặng.
Trong một tương quan nhất định, "căn bệnh tinh thần" của người phân phối, sản xuất nội địa - tất cả vì lợi nhuận - có phần tương tự. Một căn bệnh về đạo đức xã hội đang hoành hành và chắc chắn sẽ để lại di hại lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.