(HNM) - Thực tế từ nhiều năm nay, NLĐ đã bị thiếu việc làm do sự bố trí, sắp xếp nhân sự ở cơ quan, doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp thiếu việc làm. Các chuyên gia về lao động cho rằng, đây là một dạng có việc làm ảo.
Việc làm ảo khiến người lao động không được thụ hưởng mức lương phù hợp nhằm bảo đảm cuộc sống. Ảnh: Phương An |
Một kết quả khảo sát mới đây của Trung tâm quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, 6,8% tổng số lao động đang có việc làm cho biết: họ làm việc thấp hơn 35 giờ/tuần và sẵn sàng làm thêm giờ. Như vậy, thực tế làm việc của họ đã bị giảm đi hơn 13 giờ/tuần nếu chiếu theo quy định của pháp luật lao động, NLĐ phải làm việc 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Giờ làm việc thấp cũng đồng nghĩa với việc thu nhập của NLĐ bị thấp đi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của họ.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, thiếu việc làm ở đây được hiểu là NLĐ làm những công việc không đúng với khả năng mà họ mong muốn xét về các khía cạnh như thù lao, số giờ làm việc, trình độ tay nghề và kinh nghiệm làm việc. Khảo sát trong giai đoạn 2007- 2009 cho thấy, tỷ lệ thiếu việc làm theo thời gian ở Việt Nam đang tăng, chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn. Năm 2009, có 7,7% lao động cả nước thiếu việc làm theo thời gian (tăng 1,9% so với năm 2007). Đáng chú ý là ngày càng nhiều lao động thành thị rơi vào tình trạng phải làm những công việc không phù hợp với thời gian làm việc mà họ mong muốn. Ngoài ra, cũng có rất nhiều lao động không được làm việc đủ thời gian cần thiết để có mức thu nhập đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.
Cũng theo kết quả nghiên cứu trong cả giai đoạn 2007-2009, tỷ lệ thiếu việc làm theo thời gian ở khu vực thành thị đã tăng gấp đôi, từ 2% (năm 2007) lên 4% (năm 2009), trong đó nam giới thiếu việc làm nhiều hơn nữ giới, tương ứng tỷ lệ 7,3% và 6,2%. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều lao động thanh niên trong độ tuổi 15-24 phải làm các công việc không phù hợp với trình độ học vấn hoặc thiếu kinh nghiệm trong công việc mới. Tỷ lệ thiếu việc làm theo thời gian ở thanh niên là 8,1% năm 2009, tăng 2,9% so với năm 2007. Tỷ lệ này ở nam, nữ thanh niên nông thôn đáng báo động hơn với 8,9% ở nam và 8,2% ở nữ giới.
Giải thích về sự gia tăng của tình trạng thiếu việc làm theo thời gian, bà Nguyễn Thị Hải Vân cho rằng: Việc thiếu các chương trình an sinh xã hội đầy đủ ở Việt Nam là một phần nguyên nhân. Thực tế cho thấy, dường như nhiều lao động bị mất việc làm khi nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn, dẫn đến việc họ không có đủ điều kiện để duy trì cuộc sống trong tình trạng thất nghiệp. Thay vào đó, họ phải làm việc trong khu vực phi chính thức hoặc làm những công việc năng suất thấp để kiếm sống, dù cho họ không làm đủ thời gian hoặc không kiếm đủ thu nhập để bảo đảm cuộc sống. Nhiều NLĐ cũng cho rằng, hiện nay mặc dù họ đã tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), theo quy định, nếu mất việc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng thủ tục để được hưởng BHTN vẫn quá rườm rà. Nhưng quan trọng hơn là NLĐ vẫn muốn có một công việc phù hợp với khả năng để có thu nhập cao hơn, bảo đảm cuộc sống và có cơ hội làm giàu chứ không phải chỉ là hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Rõ ràng, có việc làm, được làm việc nhiều để có mức thụ hưởng tương xứng là mong muốn chính đáng của NLĐ. Song điều đó không hẳn chỉ phụ thuộc vào NLĐ mà đôi khi còn phụ thuộc vào cách sử dụng nhân sự của mỗi đơn vị, doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.