(HNM) - An toàn, an ninh không gian mạng được coi là điều kiện cơ bản để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, việc chủ động tạo ra các sản phẩm, dịch vụ về an toàn, an ninh mạng mang lại lợi ích "kép" khi vừa góp phần bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia vừa thúc đẩy chương trình “Make in Vietnam” tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển…
Theo các số liệu của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ đầu năm 2019 đến nay số lượng các vụ tấn công mạng vào hệ thống thông tin của Việt Nam liên tục giảm so với trước đó. Số liệu mới nhất cho thấy, quý III-2019 số vụ tấn công mạng giảm xấp xỉ 40% số vụ so với cùng kỳ năm 2018. Trước đó, 6 tháng đầu năm 2019, số vụ tấn công mạng giảm 45,9% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, thực tế này cũng không thể khiến chúng ta lơ là việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, cứ mỗi giây có 108 cuộc tấn công mạng và 32 mã độc mới được tạo ra khiến công tác bảo đảm an toàn không gian mạng đem lại thách thức không nhỏ cho mỗi quốc gia. Vì vậy, một trong số các giải pháp được đưa ra là phải chủ động phát triển các sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng Việt Nam.
Lý giải về việc cần thiết phát triển sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng của Việt Nam, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục An toàn thông tin chỉ ra các yếu tố thúc đẩy mục tiêu này. Trước hết, các doanh nghiệp Việt Nam không hề thua kém doanh nghiệp nước ngoài trong sản xuất một số sản phẩm và đã được thế giới ghi nhận, như phần mềm phòng, chống mã độc. Thứ hai, nếu chỉ dựa vào sản phẩm an ninh mạng của nước ngoài sẽ có một số bất cập vì phần cứng, phần mềm do nước ngoài sản xuất thường có “cửa hậu” và khi không làm chủ được công nghệ, chúng ta sẽ rơi vào thế bị động. Thứ ba, nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước gặp khó khăn vì chi phí mua sắm phần mềm, dịch vụ của nước ngoài giá thành cao... Do vậy, việc thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất sản phẩm an toàn, an ninh mạng có giá tốt sẽ giúp cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn tốt hơn.
Đó cũng là lý do mà Cục An toàn thông tin phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) triển khai chương trình bình chọn và công bố sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin chất lượng cao nhân dịp Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2019 (chương trình bình chọn được tổ chức từ năm 2016). Kết quả có 25 sản phẩm, dịch vụ của 12 doanh nghiệp, tổ chức được vinh danh. Trong đó, Công ty An ninh mạng Viettel thắng lớn với 10 giải được bình chọn, tiếp theo là Công ty Hệ thống thông tin FPT với 3 sản phẩm được bình chọn...
Theo ông Vũ Quốc Khánh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết, các sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin được vinh danh thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của khách hàng. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel cho biết, các cơ quan nhà nước đã rất quan tâm và lựa chọn sản phẩm an toàn thông tin của doanh nghiệp trong nước, nhất là những khách hàng vốn “khó tính” trong ngành Tài chính, Ngân hàng... Điều này sẽ tạo ra thị trường lớn cho các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin Việt Nam…
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, việc cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin công bố sản phẩm an toàn, an ninh mạng là “chứng chỉ” chuyên ngành tin cậy. Đó là cách khẳng định và tôn vinh chất lượng, tính ưu việt, hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin của tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở kết quả bình chọn, trong tháng 12 này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ để đưa vào danh mục các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ an toàn thông tin mạng nội địa ưu tiên sử dụng trong các hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên và các hệ thống thông tin phục vụ chính phủ điện tử (theo Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 7-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.