Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi ích dân tộc giúp Việt Nam chiến thắng tại đàm phán Paris

Theo VOV.VN| 18/01/2013 06:00

Cách đây 40 năm, ngày 27-1-1973 tại Paris, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” đã được ký kết. Hiệp định đã buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Đoàn đại biểu Việt Nam tại lễ ký kết Hiệp định Paris.

Văn kiện pháp lý quốc tế này là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao cam go nhất, lâu dài nhất, trong lịch sử nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Việc Mỹ phải ký Hiệp định Paris là một thắng lợi to lớn, tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris, Phóng viên đã phỏng vấn nhà ngoại giao Phạm Ngạc - Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại giao, từng là thành viên của phái đoàn Việt Nam về vấn đề này.

PV:Thưa ông, cuộc đàm phán Paris là một cuộc đấu trí giữa một bên là cường quốc và bên kia là một đất nước nhỏ bé, lạc hậu; giữa một nền ngoại giao lâu năm dày dạn và một nền ngoại giao non trẻ và thiếu kỹ năng đàm phán quốc tế. Tuy vậy, trên thực tế thì tại cuộc đàm phán này thì lập trường chính nghĩa và nghệ thuật đàm phán của ta luôn chủ động áp đảo đối phương và kết quả là Mỹ đã phải ký Hiệp định Paris trong thế thua.

Là người tham dự hầu hết quá trình đàm phán Paris, cả cuộc đàm phán công khai và đàm phán kín, xin ông cho biết rõ hơn chúng ta đã làm gì, có bí quyết gì khiến đối phương từ mạnh chuyển sang yếu, từ coi thường chuyển sang kính nể đoàn đàm phán của chúng ta như vậy?

Nhà ngoại giao Phạm Ngạc: Đây là lần đầu tiên Việt Nam trực tiếp đối đầu với Đế quốc Mỹ - một siêu cường quốc hạt nhân và có thế lực quân sự hùng mạnh đã làm mưa làm gió trên thế giới, chưa bao giờ thua trong cuộc chiến tranh nào. Trong khi đó ở phía Việt Nam sức mạnh quân sự của ta chỉ là toàn dân kháng chiến. Sức mạnh chính mà Hồ Chủ tịch đã đặt rất rõ đó là vì độc lập tự do, chiến lược là đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào và Bắc - Nam sum họp một nhà.

Khẩu hiệu đó là bí quyết cho đường lối ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là độc lập - tự do - hạnh phúc và ý trí đó đã tạo lên sức mạnh toàn dân. Do đó, sức mạnh vũ khí quân tự của ta tuy không bằng Đế quốc Mỹ nhưng với tinh thần đó đã chiến thắng quân sự và Mỹ từ can thiệp leo thang, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và cuối cùng là phải chấp nhận sự thất bại, phải chấp nhận rút quân.

Sự không cân sức trong ngoại giao thể hiện rất rõ; Chúng ta không có kinh nghiệm ngoại giao, chưa có chuyên gia luật pháp quốc tế trong khi đó Mỹ rất thành thạo trong việc này. Henry Kissinger rất nổi tiếng trong việc này và họ có cả một bộ máy đằng sau. Hay việc thông tin trong nước cũng rất nhanh, họ có thể đàm phán nửa chừng họ ra ô tô là có thể liên lạc về nước được rồi. Trong khi chúng ta dùng điện đài đánh móc, mã hóa gửi về. Mà có muốn về nước xin chỉ thị thêm thì đồng chí Lê Đức Thọ cũng phải mất 3 ngày từ Paris bay về Moscow rồi về Việt Nam.

Phương tiện thông tin thua họ. Có thể nói vật chất và kỹ thuật của mình thua họ nhưng rõ ràng, tôi đấu tranh đến cùng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “khoét sâu và chỗ yếu của Mỹ”. Mỹ trước đây chủ trương ngăn chặn cộng sản nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “không, chúng tôi chỉ lập tự do - quyền lợi dân tộc chúng tôi mà thôi”. Và cuối cùng các nước trên thế giới và Mỹ cũng phải nhận ra sai lầm.

Có thể nói thắng lợi đó là do được Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra chiến lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Xuân Thủy rất giỏi về ngoại giao, có uy thế rất lớn trong đội quân báo chí. Ông như một vị sứ thần Việt Nam ngày xưa, giỏi đối đáp. Còn ông Lê Đức Thọ là người rất kiên quyết trong đàm phán riêng. Bà Bình là một người dòng dõi của cụ Phan Chu Trinh. Báo chí phương Tây gọi bà là “nữ hoàng Việt cộng”. Bởi từ lâu phương Tây, miền Nam gọi Việt cộng là những anh leo cành đu đủ không gẫy nay thấy bà rất lịch sự, nói tiếng Pháp rất tốt, văn hóa, đối đáp trôi chảy, điều đó khiến chính báo chí Pháp cùng phải tự hào nói bà là “nữ hoàng Việt cộng”.

Đây không chỉ là thắng lợi trong việc ký được Hiệp định Paris mà là sự tâm phục khẩu phục của đối phương. Tôi luôn nói hiệp định Paris hay cuộc chiến tranh Việt Nam rất có hậu, sau cuộc chiến tranh đó uy tín của Việt Nam lớn lên rất nhiều. Ngay đối với Mỹ - làm mưa là gió trên thế giới, chưa thua bao giờ thì người hận thù Việt Nam nhất như ông John McCain, bây giờ lại là người bảo vệ Việt Nam rất mạnh. Thực tế họ có cái phục. Đường lối đó là của Chủ tịch Hồ Chí Minh không ai có thể làm khác được.

PV:Sau khi kết thúc chiến tranh thì các chuyên gia, nhà khoa học lịch sử Việt Nam và Hoa Kỳ đã vài lần ngồi lại cùng nhau để nhìn lại sự kiện này và rút kinh nghiệm cho tương lai. Với tư cách là một người trực tiếp tham gia đoàn đàm phán, xin ông cho biết, trong quá trình đàm phán, có cơ hội nào cho hòa bình mà hai bên đã bỏ lỡ không?

Nhà ngoại giao Phạm Ngạc: Khi đó, Việt Nam lấy lợi ích dân tộc làm một: Vì độc lập tự do, đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào. Nhưng Mỹ lại có những lợi ích khác nhau. Điều đó thể hiện ở ngay trong đoàn đàm phán, Trưởng đoàn và Phó đoàn thì hai người này đều muốn chấm dứt chiến tranh; Họ còn muốn chấm dứt ném bom sớm nhưng lúc đó Johson lại tính khác.

Bên cạnh đó, Johson ở Đảng dân chủ nhưng cũng vướng Harry là người ứng cử Tổng thống, cả 2 đều có những mẫu thuẫn. Điều đó khiến nội bộ họ lủng củng. Sau này, khi Richard Nixon trúng cử cuộc đám phán cũng không diễn ra ngay mà phải chờ đợi ông ta lên nhậm chức mới tiếp tục.

Nội bộ của Mỹ có nhiều sự tính toán khác nhau, điều đó đã làm họ suy yếu lập trường. Thậm chí kéo dài chiến tranh khiến tổn thất cho Mỹ càng nhiều hơn, cuối cùng họ sụp đổ. Chính nhiều sự tính toán như thế đã dẫn đến sai lầm cho Mỹ. Còn ta chiến thắng bởi sự xuyên suốt với một mục đích: Tôi muốn độc lập tự do và chúng tôi là tự chiến đấu tự đàm phán.

PV:Xin cảm ơn ông.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích dân tộc giúp Việt Nam chiến thắng tại đàm phán Paris

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.