Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lời giải căn cơ

Hà Vũ| 04/04/2023 07:06

(HNM) - Kết luận hội nghị giao ban trực tuyến quý I-2023 giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng yêu cầu phải nhanh chóng nghiên cứu giải pháp căn cơ, bài bản để có phương án quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè toàn diện, bền vững, lâu dài. Sự chỉ đạo này là cấp thiết để giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn.

Nhắc đến lòng đường, vỉa hè Hà Nội là nhắc đến một phần có ý nghĩa đặc biệt. Lòng đường như “mạch máu” lưu thông, còn vỉa hè như “khuôn mặt” của đô thị. Nhiều chuyên gia khẳng định, Hà Nội có một “nền kinh tế vỉa hè” - nơi mang giá trị thương mại, dịch vụ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Còn thực tiễn hằng ngày, ai cũng thấy, vỉa hè, mặt phố là sinh kế của hàng triệu người dân. Nhớ lại những ngày tháng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cửa hàng mặt phố đóng kín hàng loạt, vỉa hè thưa bóng người, kinh tế Thủ đô năm 2021 chỉ tăng trưởng 2,91%. Nhưng khi mở lại, tăng trưởng kinh tế Hà Nội năm 2022 đã tăng lên 8,89%. Đó còn là văn hóa, là lối sống và ở một góc nhìn khác còn là sự thân thương, gần gũi, không kém phần hấp dẫn của Hà Nội...

Trong khi đó, từ trước đến nay, điệp khúc bất cập trong quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường cứ “đến hẹn lại lên” với những đợt ra quân mạnh mẽ, quyết liệt; nhưng hết ra quân, “đâu lại vào đấy”. Mặc dù các cấp, ngành, lực lượng chức năng vất vả ngày đêm duy trì, xử lý, khi xe lực lượng chức năng đi tới thì bà con cất hàng hóa vào, nhưng xe đi khỏi, hàng quán lại nhô ra... để lại những hình ảnh không đẹp.

Rõ ràng, để xây dựng một Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại như Bộ Chính trị giao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tần nhìn đến năm 2045”, không thể không khắc phục được những bất cập hiện nay. Chừng nào các lực lượng chức năng còn phải thường xuyên đi dẹp và xử lý các trường hợp lấn chiếm, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè thì chừng ấy còn chưa thật văn hiến, văn minh, hiện đại.

Tất cả đang đòi hỏi lời giải căn cơ, bài bản, “sâu rễ bền gốc”. Lời giải ấy, theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng là phải quy hoạch thiết kế đô thị đối với từng con phố, tuyến đường, từng khu vực; nghiên cứu trên cơ sở khoa học, thực tiễn, văn hóa, con người để quyết định sử dụng vỉa hè, lòng đường đến đâu, như thế nào cho thuyết phục. Quy hoạch thiết kế xong thì công khai lấy ý kiến người dân, khi đồng thuận thì đưa vào thực hiện trên tinh thần “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Lúc thực hiện có thể làm từng bước, thí điểm ở quy mô nhỏ sau đó nhân rộng; làm đến đâu phải chắc đến đấy. Lời giải căn cơ, bài bản còn phải là đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) những cơ chế, chế tài cần thiết; để hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và cộng đồng...

Việc hiện thực hóa lời giải trên khó có thể làm thời gian gần. Nhưng, việc khó mới cần trách nhiệm cao, thách thức mới cần bản lĩnh. Thành phố sẽ triển khai những giải pháp căn cơ, toàn diện, nhưng đây mới chỉ là điều kiện “cần”. Điều kiện “đủ” là sự vào cuộc của chính quyền cơ sở - những người gắn bó hằng ngày với từng con phố, tuyến đường, nơi chứng kiến những điều chưa đẹp diễn ra khá thường xuyên ở một đô thị đang hướng tới mục tiêu không chỉ văn hiến, văn minh, hiện đại, mà còn là đô thị đáng sống. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lời giải căn cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.