Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi dụng chính sách để nhập phế liệu: Ngăn chặn cách nào?

Gia Khánh| 12/11/2015 06:55

(HNM) - Chính sách nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu hiện bị nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng để đưa rác thải vào Việt Nam. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ hàng nghìn tấn rác thải nguy hại tại một số cửa khẩu, cảng biển.

Chính sách nhập khẩu phế liệu hiện đang bị một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để đưa rác thải vào Việt Nam.


Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), nếu trong giai đoạn 2011-2012, có khoảng 400 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu phế liệu, thì giai đoạn 2013-2015, còn 200-250 DN. Tuy nhiên, lượng phế liệu nhập khẩu vẫn tương đương, chủ yếu là sắt, thép (sản lượng khoảng 2,2-2,5 triệu tấn/năm), nhựa (khoảng 800.000 tấn/năm), giấy (700.000 tấn/năm)… Mặc dù khung pháp lý ngày càng được hoàn thiện, nhiều biện pháp kiểm soát, ngăn chặn lợi dụng chính sách nhập khẩu phế liệu để đưa rác thải vào Việt Nam được triển khai, số lượng container phế liệu không bảo đảm yêu cầu môi trường đã giảm nhiều so với giai đoạn 2006-2010, song thực tế hiện tượng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải nguy hại vào Việt Nam vẫn chưa được xử lý triệt để. Rác thải được nhập về chủ yếu là săm, lốp cao su thải, vỏ ô tô, tàu biển chưa làm sạch tạp chất, ắc quy chì thải, sản phẩm điện tử…

Theo các cơ quan chức năng, địa bàn trọng điểm diễn ra hoạt động này là tuyến biên giới phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai), biên giới Tây Nam (Tây Ninh, Kiên Giang) và các cửa khẩu đường biển Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, số vụ vi phạm nhập khẩu chất thải nguy hại trái phép diễn biến phức tạp. Số liệu chưa đầy đủ, năm 2011, phát hiện 17 vụ, với khối lượng chất thải nguy hại thu giữ là 573 tấn; cả năm 2012 và 7 tháng năm 2013, phát hiện 43 vụ, với khối lượng chất thải nguy hại thu giữ 3.691 tấn. Trong khi, theo Bộ Tài chính, hiện còn 5.411 container rác thải công nghiệp (trong đó tại cảng Hải Phòng là 4.818 container), chủ yếu là lốp cao su qua sử dụng, đang tồn đọng, chờ xử lý về môi trường hoặc tiêu hủy. Đặc biệt, việc xử lý về môi trường đối với lượng rác thải này rất tốn kém, phức tạp, cũng là sức ép lớn cho cơ quan chức năng.

Ngoài việc ngăn chặn rác phế liệu ô nhiễm môi trường xâm nhập, Việt Nam đang phải đối mặt và chưa tìm được "lời giải" hiệu quả với việc du nhập công nghệ cũ, lạc hậu sử dụng trong dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc qua thương mại quốc tế. Cũng như rác phế liệu, công nghệ cũ, lạc hậu, thậm chí gây ô nhiễm môi trường, là nguy cơ biến Việt Nam trở thành "bãi rác" công nghệ.

Vậy, làm thế nào để ngăn chặn hiện tượng lợi dụng chính sách nhập phế liệu làm nguyên liệu để đưa rác thải vào Việt Nam? Đơn giản nhất là chấm dứt việc nhập phế liệu. Tuy nhiên, với nhu cầu sản xuất hiện tại, chưa thể một sớm một chiều thực hiện ngay, mà chỉ có thể hạn chế dần tiến tới chấm dứt hoàn toàn. Do đó, vấn đề quan trọng nhất vẫn là củng cố hành lang pháp lý và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Theo Bộ TNMT, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có những quy định cụ thể về điều kiện phế liệu được phép nhập khẩu, điều kiện tổ chức, cá nhân hoạt động nhập khẩu phế liệu… nhằm kiểm soát và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để đưa rác thải vào Việt Nam. Cùng với đó, các bộ: TNMT, Công thương, Công an, lực lượng hải quan đã phối hợp với các địa phương theo dõi, cập nhật hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, phát hiện, xử lý kịp thời trường hợp vi phạm.

Bộ TNMT cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thời gian tới là tăng cường kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu, máy móc, phương tiện, thiết bị đã qua sử dụng; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, về xuất nhập khẩu và lực lượng cảnh sát trong kiểm tra, giám sát nhập khẩu phế liệu, chấm dứt tình trạng nhập khẩu, vận chuyển chất thải qua biên giới. Bộ cũng sẽ thực hiện nghiêm vấn đề phòng ngừa, ngăn chặn việc đưa công nghệ, máy móc lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào sử dụng tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi dụng chính sách để nhập phế liệu: Ngăn chặn cách nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.