(HNM) - Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh thừa nhận, một số thẩm phán thật sự chưa tận tâm trong công việc, chuyên môn không đồng đều, có người giỏi khá, nhưng cũng có người trình độ trung bình.
Kết quả giám sát của Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn cho thấy, hiệu quả xét xử đạt thấp, án tồn đọng khá lớn; tỷ lệ án tạm đình chỉ khá nhiều; nhiều vụ án bị hủy do lỗi chủ quan; chất lượng xét xử án thấp. Riêng đối với án dân sự, đến thời điểm này, tòa án các cấp đã để tồn đọng trên 3.000 vụ (trong đó trên 2.000 vụ tạm đình chỉ, trên 1.000 vụ quá hạn xét xử). Tỷ lệ giải quyết án dân sự trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 56% ở cấp thành phố, 27% ở cấp quận huyện, tính chung toàn thành phố chỉ đạt 29%.
Một người dân ở Bình Thạnh "tố" vụ khiếu kiện về đất đai kéo dài hàng chục năm. |
Theo các cơ quan chức năng, số lượng án tại TP Hồ Chí Minh bằng 1/5 của cả nước, trong khi tính chất phức tạp hơn hẳn các địa phương khác. Rất nhiều vụ án để dây dưa kéo dài, không ít vụ kéo dài tới 10 năm chưa giải quyết. Nhiều vụ gây bức xúc trong nhân dân, gây mất an ninh, trật tự xã hội. Kết quả giám sát cho thấy, nhiều vụ án chậm giải quyết do các cơ quan có thẩm quyền chậm trả lời xác minh, trong khi theo luật, những vụ án không có lý do đình chỉ phải đưa ra xét xử. Công tác kiểm tra, giám sát cũng cho thấy, nhiều vụ án chậm đưa ra xét xử với lý do đơn giản bởi các đơn sự liên quan không "đòi xử". Cũng có không ít vụ án tòa án các cấp "ngại" đưa ra xét xử chỉ vì... sợ xử sai. Ông Phạm Văn Bá, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: Với số lượng án tồn đọng quá lớn, tòa án làm thế nào để giải quyết dứt điểm? Làm thế nào xử lý thẩm phán cố tình ngâm án?
Lỗi do... khách quan
Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh cho biết, trung bình mỗi năm lượng án dân sự trên địa bàn thành phố tăng khoảng 10%, trong khi đội ngũ thẩm phán vừa yếu lại vừa thiếu. "Một số thẩm phán thật sự chưa tận tâm trong công việc, chuyên môn không đồng đều, có người giỏi khá, nhưng cũng có người trình độ trung bình", bà Ung Thị Xuân Hương thừa nhận. Cũng theo bà Hương, đối với án tạm đình chỉ, án quá hạn hầu hết thuộc loại án phức tạp nên tòa án các cấp "ngại" đưa ra xử. Người đứng đầu TAND TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, tòa án hai cấp từ quận, huyện đến thành phố có lúc chưa quyết liệt đưa ra các giải pháp để chấn chỉnh, để án quá hạn do lỗi chủ quan của mình.
Còn nguyên nhân dẫn đến hiệu quả xét xử thấp, tuy nhiên theo bà Hương, do khách quan là chính. Cụ thể, do tình hình tháng 9 là kết thúc thi đua, tháng 10 kiểm tra chéo, phân loại kiểm tra… Đến tháng 1 là tháng Tết. "Theo truyền thống sau 15 Tết dân mới lên tòa, còn trước rằm tháng Giêng có mời họ cũng không lên. Vì thế 6 tháng đầu năm đã mất hết 3 tháng, đến quý IV là quý thi đua, lại có tâm lý nghỉ ngơi", bà Hương phân trần. Lý giải về số lượng án bị ngâm quá nhiều, bà Hương còn đưa ra nguyên nhân do thay đổi thẩm quyền bổ nhiệm nên nhiều thẩm phán hết nhiệm kỳ chưa kịp tái bổ nhiệm lại. “Do đó, 6 tháng đầu năm 2015, cấp quận huyện thiếu gần 100 thẩm phán, cấp thành phố thiếu gần 80 thẩm phán”. “Theo chỉ tiêu của tòa tối cao, mỗi thẩm phán bình quân một tháng xử 4 - 7 vụ, nhưng hiện trung bình xử tới 12,2 vụ/tháng. Vì thế, họ không còn thời gian xác minh, viết án văn. Để đáp ứng yêu cầu xử án, đối với tòa cấp quận, huyện cần tăng cường thêm 197 thẩm phán, tòa thành phố cần thêm 40 thẩm phán”, bà Hương đề xuất.
Tuy vậy, những lý giải của bà Ung Thị Xuân Hương đã khiến nhiều người không đồng tình. Ông Trần Trọng Dũng (Ban Pháp chế, HĐND TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đối với những án dân sự bị tạm đình chỉ chủ yếu rơi vào tháng 8, tháng 9 của năm. Theo như lời của Chánh án TAND thành phố, tháng 9 lại là thời điểm kết thúc thi đua. "Như vậy, liệu có tình trạng cố tình "ém" án để giành thành tích?".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.