(HNM) - Nếu không có gì thay đổi, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội cuối năm nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thông tin, Thường trực Ủy ban Tư pháp vừa phối hợp với cơ quan trình dự thảo nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện một bước dự thảo luật. Liên quan đến vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức..., để khắc phục hạn chế, dự thảo luật phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản phù hợp. Đối với người giữ chức vụ từ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao thì có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ.
Các đối tượng khác được kiểm soát ở mức độ đơn giản hơn với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên/năm. Đồng thời, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự thảo luật thống nhất bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc với phương án đưa ra là thu thuế thu nhập cá nhân.
Về phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, từng có ý kiến đề nghị giao cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội ngoài nhà nước tự quy định và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc này khó bảo đảm tính thống nhất khi thực hiện.
Thay vào đó, cần giao cho Chính phủ căn cứ vào quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật khác có liên quan quy định cụ thể việc áp dụng một số biện pháp về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động sẽ kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm người đứng đầu của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước dễ dàng hơn.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây nhất, những vấn đề mới trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cơ bản được thống nhất. Chỉ riêng việc xử lý tài sản không giải trình được một cách hợp lý còn ý kiến khác nhau.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến và nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn, tài sản tăng thêm này là tăng thêm do khai tăng thêm của người kê khai hay tăng thêm cả phần ngoài chưa kê khai? Dự thảo luật hướng tới tập trung xử lý tài sản tăng thêm mà không làm rõ nguồn gốc sẽ khó cho việc xử lý, áp dụng...
Ở góc nhìn khác, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, chúng ta đang lúng túng về vấn đề xử lý tài sản không kê khai hoặc tăng thêm không giải trình hợp lý, bởi vì nhầm lẫn một cách cơ bản giữa tài sản của công dân và tài sản của cán bộ.
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, công dân bình thường trong xã hội không có nghĩa vụ phải chứng minh tính hợp pháp đối với khối tài sản của mình có được. Việc chứng minh là trách nhiệm của Nhà nước, khi cần. Còn cán bộ thì phải áp dụng nguyên tắc ngược lại đối với khối tài sản phát sinh bất hợp lý trong thời kỳ người đó "làm quan".
Cụ thể, trước đó, thời điểm quy hoạch cán bộ lãnh đạo - đặc biệt là những người có điều kiện để tiếp cận, quyết định chi tiêu những khoản kinh phí lớn của ngân sách, giải quyết những công việc quan trọng của cá nhân, doanh nghiệp như bí thư, chủ tịch, người thân (bố mẹ, vợ/chồng, con kể cả thành niên và chưa thành niên) cũng phải kê khai tài sản và chốt lại.
Sau thời điểm đó, nếu số tài sản những diện nêu trên phát sinh sau kê khai có nhiều điểm bất thường mà không chứng minh được thì Nhà nước có quyền tước đoạt tài sản bất minh đó. Có như vậy thì công tác chống tham nhũng mới mang lại kết quả thiết thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.