(HNM) - Hiện nay, một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch gặp khó khăn về nguồn vốn để xây dựng mô hình sản xuất khép kín, hiện đại.
Kiểm tra chất lượng rau sạch của VinEco tại nông trường Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: Xuân Phú |
Ít hào hứng vì khó cạnh tranh
Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, để đầu tư sinh lời còn khó khăn do nguồn vốn ít và công nghệ sản xuất lạc hậu.
Hiện chỉ có một số tập đoàn lớn như: TH, Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup… đầu tư vào nông nghiệp với quy mô lớn, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, công nghệ mới và tạo ra những thực phẩm sạch, chất lượng cao; còn lại phần lớn các doanh nghiệp "đổ vốn" vào lĩnh vực này còn rất yếu.
Cụ thể, cả nước có 4.500 doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, nhưng quy mô chủ yếu là nhỏ và vừa (chiếm khoảng 55%) ở mức dưới 5 tỷ đồng; thậm chí có 50% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp quy mô siêu nhỏ (dưới 10 lao động). Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp ít đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch chủ yếu do thiếu vốn.
Theo Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Biggreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng, hiện doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp. Hơn nữa, rất ít doanh nghiệp hào hứng đầu tư vào lĩnh vực này vì “bán cả tấn rau mới thu được vài triệu đồng”. Không những thế, mặt hàng rau, quả tươi sống dễ hư hỏng, khó bảo quản, nếu không tiêu thụ được thì chỉ còn cách vứt bỏ... dẫn đến lợi nhuận thấp.
Chung tâm trạng, bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân chia sẻ, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp muốn sản xuất sạch nhưng phải “dừng bước” hoặc làm giữa chừng bị "đuối" vốn, phải bỏ cuộc hoặc chuyển hướng... Đặc biệt, do thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi đầu tư thiết bị, quy trình sản xuất hiện đại, khép kín, xây dựng vùng nguồn nguyên liệu tập trung...
Không chỉ khó khăn về nguồn vốn, doanh nghiệp làm nông nghiệp sạch còn gặp khó trong cạnh tranh với những mặt hàng không rõ nguồn gốc bán trên thị trường. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết, hiện nay, còn nhiều bất cập trong quản lý vật tư nông nghiệp khiến tình trạng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, kháng sinh tràn lan. Đối với những vùng sản xuất nông nghiệp sạch, phải tuân thủ kỹ thuật sản xuất từ việc nhập con giống, thuốc, phân bón sinh học, hữu cơ với giá cao hơn nhiều lần. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn dễ dãi với những mặt hàng nông sản không rõ nguồn gốc tại các chợ dân sinh... ảnh hưởng xấu đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch.
Theo ông Nhữ Đình Tú - Tổng Giám đốc công ty cổ phần thực phẩm sạch Lebio Việt Nam, tuy các mặt hàng thực phẩm của công ty bán trên thị trường đều có tem truy xuất nguồn gốc, cam kết chăn nuôi sạch, an toàn... nhưng, mỗi ngày, công ty cũng chỉ bán được 1 đến 1,5 tấn thịt các loại cho cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể, siêu thị...
Cần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp sạch, theo Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN& PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, trước hết, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và nông nghiệp sạch nói riêng.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, tăng nguồn vốn tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng; đơn giản hóa thủ tục hành chính về cho vay, nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt đối tượng, phạm vi và điều kiện cho vay, tạo thuận lợi cho người dân trong vay vốn phát triển nông nghiệp sạch.
Về phía doanh nghiệp, cần thay đổi tư duy từ sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là tăng cường công tác dự báo, định hướng thị trường hiệu quả và xây dựng thương hiệu... Các doanh nghiệp làm nông nghiệp sạch cần chứng minh cho người tiêu dùng hiểu tác dụng tích cực của sản phẩm nông nghiệp sạch. Từ đó, họ sẽ tự nguyện mua sản phẩm với giá cao hơn những mặt hàng thông thường đang lưu thông...
Mặt khác, để thu hút vốn tập trung cho phát triển nông nghiệp sạch, không chỉ trông chờ vào ngân hàng mà cần thêm sự vào cuộc đồng bộ của bộ, ngành, chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực cho sản xuất, tạo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Ông Trần Mạnh Chiến - Giám đốc Công ty TNHH VinaGAP Việt Nam, chuỗi cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch Bác Tôm cho rằng, các tổ chức tín dụng cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp; đồng thời, các ngành chức năng cần ban hành tiêu chí cụ thể về quy cách, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc sản phẩm... để doanh nghiệp áp dụng vào quá trình sản xuất.
Song hành, các ngành chức năng cần tăng cường giám sát, cảnh báo, có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm, quảng cáo sai sự thật; sản xuất, tiêu thụ hàng hóa không đúng tiêu chuẩn chất lượng... Qua đó, dần hình thành thói quen tiêu dùng hiện đại trong nhân dân, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch theo hướng bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.