(HNM) - Sáng 31-7, một vụ xả súng đã xảy ra ở Austin, bang Texas, miền Nam nước Mỹ làm ít nhất 1 phụ nữ thiệt mạng và 3 người khác bị thương. Trước đó một ngày, cảnh sát Mỹ xác nhận đã có 3 người thiệt mạng và 1 người bị thương trong vụ việc tương tự tại một bữa tiệc ở khu vực ngoại ô thành phố Mukilteo, bang Washington.
Đây chỉ là hai trong hàng loạt vụ tấn công bằng súng xảy ra thời gian gần đây ở nhiều tiểu bang của Mỹ. Điều này không chỉ làm dấy lên những nguy cơ bất ổn an ninh mà còn cho thấy việc kiểm soát súng đạn đã trở thành một vấn đề cấp thiết trong xã hội Mỹ.
Tại Mỹ, hiện có tới gần 310 triệu khẩu súng đang được lưu hành. |
Theo thống kê, trong năm 2015, tại Mỹ đã xảy ra gần 400 vụ xả súng lớn tại hơn 220 địa điểm, cướp đi sinh mạng của hơn 500 người và làm hơn 1.300 người khác bị thương. Như vậy, trung bình mỗi ngày ít nhất có 1 vụ xả súng trên nước Mỹ. Việc dễ dàng sở hữu vũ khí cá nhân tại Mỹ khiến súng đạn trở thành công cụ phạm tội đặc biệt nguy hiểm của những phần tử cực đoan. Dữ liệu từ Cơ quan thẩm định trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 2-2014 đến tháng 2-2016, những đối tượng có mặt trong danh sách theo dõi khủng bố tại Mỹ đã có 1.200 nỗ lực liên hệ mua súng đạn, vũ khí và tỷ lệ thành công lên đến… 91%. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn vì dữ liệu của GAO không đề cập tới các giao dịch tại cửa hàng tư nhân hay triển lãm, những nơi thường không yêu cầu kiểm tra lý lịch người mua trước khi giao hàng.
Kể từ sau vụ nổ súng diễn ra hồi tháng 12-2012 tại Trường Tiểu học Sandy Hook tại Newtown, bang Connecticut, khiến 28 người thiệt mạng, Tổng thống Barack Obama đã đề cập đến việc thực hiện chính sách kiểm soát vũ khí. Và tranh cãi gay gắt về vấn đề tự do súng đạn được đẩy lên đến đỉnh điểm sau vụ xả súng được xem là đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ tại hộp đêm ở Orlando, bang Florida vào ngày 12-6 vừa qua làm 50 người thiệt mạng, 53 người khác bị thương. Ngay sau vụ việc này, ứng cử viên Tổng thống Mỹ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh: “Mỹ không nên tiếp tục cho phép bán các loại vũ khí tự động nhằm tạo cơ hội cho những kẻ giết người”. Tổng thống B.Obama cũng hối thúc Quốc hội chấm dứt những tranh cãi và sớm thông qua các biện pháp giúp kiểm soát súng đạn. Tuy nhiên, tại đất nước được mệnh danh là "miền đất tự do này", việc thay đổi quyền được sở hữu vũ khí là cực kỳ khó khăn.
Việc tìm tiếng nói chung trong vấn đề này thường xuyên gặp cản trở tại Quốc hội Mỹ trong điều kiện ngành công nghiệp vũ khí đang cung cấp một nguồn lợi nhuận khổng lồ cho nước Mỹ. Các nhà sản xuất vũ khí cũng sẵn sàng chi hàng triệu USD mỗi năm cho những hoạt động vận động hành lang nhằm bảo vệ lợi ích, trong đó, Hiệp hội quốc gia về quyền sở hữu súng chi 6,8 triệu USD, Hiệp hội các môn thể thao sử dụng súng chi 2,3 triệu USD (năm 2015). Những khoản tài chính béo bở khiến các nhóm vận động hành lang ra sức lôi kéo các nghị sĩ ở cả Thượng viện và Hạ viện. Bên cạnh đó, Hiến pháp Mỹ cho phép sở hữu vũ khí cá nhân và mọi nỗ lực nhằm ban hành những văn bản luật pháp liên quan đến kiểm soát súng đạn đều bị vô hiệu hóa vì cho rằng đã... vi hiến.
Dân số Mỹ hiện nay vào khoảng 315 triệu người nhưng theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Pew, có tới gần 310 triệu khẩu súng đang được lưu hành ở quốc gia này, trong đó không thể xác định có bao nhiêu trong số này được sử dụng vào mục đích khủng bố và tội phạm. Rõ ràng là nỗi lo sợ ngày càng lớn về an ninh đang thúc đẩy người dân tiếp tục trang bị vũ khí tự vệ cá nhân dẫn tới sự hiện diện dày đặc của súng đạn trong xã hội. Vòng luẩn quẩn này càng khiến câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của chính quyền trong việc kiểm soát vũ khí dù đang nóng lên từng ngày nhưng lại khó có hồi đáp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.