Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loay hoay tìm giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Bài, ảnh: Trọng Ngôn| 03/07/2015 07:03

(HNM) - TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu ban hành quy định về đánh bắt cá trên kênh rạch. Đây được xem là động thái nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở hệ thống kênh rạch trên địa bàn. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ vẫn chưa rõ ràng.

Phớt lờ lệnh cấm

Tại hai tuyến kênh trọng điểm chảy qua nhiều quận trung tâm của TP Hồ Chí Minh là Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hũ - Bến Nghé, mặc dù các cơ quan chức năng đặt các biển cấm đánh bắt cá nhưng nhiều nhóm người câu cá vẫn phớt lờ, xem như không có. Nghiêm trọng hơn, lợi dụng lúc trời tối hoặc khúc kênh vắng người, một số đối tượng còn dùng xuồng để chài lưới, thậm chí chích điện. Rõ ràng, đây là kiểu đánh bắt tận diệt. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, thường từ tầm khoảng 3 giờ chiều trở đi, dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hũ - Bến Nghé, từng tốp người mặc nhiên tụ tập câu cá. Điều đáng nói là không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng xử phạt hay ngăn chặn.

Khó bảo vệ cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè do ô nhiễm và đánh bắt.



Cuối tháng 4-2015 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức thả gần 10 tấn cá giống xuống kênh Tàu Hũ - Bến Nghé. Đây là lần thứ ba liên tiếp TP Hồ Chí Minh thả cá xuống dòng kênh này nhằm cải thiện môi trường nước, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh việc đặt biển cấm đánh bắt cá, TP Hồ Chí Minh cũng đã kêu gọi người dân không câu cá trên kênh rạch. Đồng thời, UBND thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận - huyện, phường - xã phối hợp với mặt trận và đoàn thể các cấp thường xuyên tuyên truyền rộng rãi đến toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Mặc dù vậy, thực trạng câu cá, đánh bắt cá trên các tuyến kênh này hiện vẫn diễn ra, bất chấp nhiều đợt ra quân tịch thu, tiêu hủy cần câu và buộc đối tượng câu cá thả cá trở lại dòng kênh của cơ quan chức năng.

Giải pháp chưa rõ

Lý giải về thực trạng câu cá, đánh bắt cá trái phép trên kênh rạch vẫn chưa giảm, ông Trần Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn cho biết, thời gian qua các lực lượng chức năng chưa xử phạt được bất cứ trường hợp nào về nạn tận diệt cá trên các dòng kênh. "Chúng tôi nhận thấy việc lạm sát cá là có thật", ông Trần Văn Sơn thừa nhận. Nhận định về những bất cập này, ông Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian qua có sự buông lỏng trong quản lý của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hệ thống kênh rạch của thành phố.

Thực tế, TP Hồ Chí Minh vẫn đang loay hoay về giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng câu, đánh bắt cá kiểu tận diệt trên các dòng kênh. Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã yêu cầu các sở, ban, ngành tham mưu cho thành phố về giải pháp căn cơ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt trên các tuyến kênh chảy trên địa bàn. Nhận định về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, trước tiên thành phố phải có chiến dịch trọng điểm để dẹp bằng được vấn nạn lạm sát cá. Còn theo các chuyên gia, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngoài việc cấm khai thác, TP Hồ Chí Minh cần phải làm rất nhiều việc, trong đó trọng tâm là đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải cũng như kiểm soát chất lượng nguồn nước để tạo môi trường sống tốt nhất cho thủy sản, tránh tình trạng cá chết hàng loạt trong thời gian qua.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh), cơ quan này đã hoàn tất dự thảo về cấm đánh bắt cá trên kênh rạch ở khu vực trung tâm thành phố. Cụ thể, cấm khai thác cá dưới mọi hình thức trên 3 tuyến kênh: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ - Bến Nghé và Tân Hóa - Lò Gốm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay tìm giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.