(HNMO)- Đan Phượng được coi là một trong những địa phương mạnh dạn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Hà Nội. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, người nông dân cũng như chính quyền địa phương vẫn loay hoay đi tìm mô hình trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa.
Điệp khúc trồng rồi phải chặt bỏ
Cách đây khoảng 16 năm, nông dân 1 số xã trên địa bàn huyện Đan Phượng đã tự phát chuyển đổi đất cấy lúa sang trồng cây ăn quả, chủ lực là cây bưởi Diễn. Chỉ trong một thời gian ngắn, người dân đã phát triển diện tích trồng bưởi Diễn lên đến hơn 100 ha. Nghĩ rằng, “bưởi Diễn có thể bén rễ trên đồng đất quê mình, không lẽ cam Canh lại không?”. Vì thế, chỉ một hai năm sau, cây cam Canh đã nhanh chóng được đưa về trồng trên đồng đất Đan Phượng, với diện tích lên đến hơn 100ha. Tuy nhiên, do trồng tự phát, không có đánh giá về thổ nhưỡng, khí hậu đồng đất địa phương, nên hơn 100 ha cam Canh tại Đan Phượng đã phải chặt bỏ vì không mang lại hiệu quả kinh tế.
Năm 2006, sau khi khảo sát, đánh giá hiệu quả kinh tế giữa cây cam Canh và bưởi Diễn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đan Phượng đã mạnh dạn đề xuất chọn cây bưởi Diễn là cây trồng chính để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương. Tất nhiên, việc triển khai trồng cây bưởi Diễn phải theo quy hoạch và dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn tiến hành điều tra quy hoạch sản xuất. Nhiều xã đã hoàn thành quy hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế vườn trại. Trên cơ sở đó, ngay trong năm 2006, UBND huyện Đan Phượng đã phê duyệt 10 dự án trồng bưởi Diễn trên địa bàn của 9 xã, với tổng diện tích là 340 ha, trong đó một số xã, như: Phương Đình, Thượng Mỗ có diện tích chuyển đổi lớn. Chủ đầu tư dự án là UBND các xã, UBND huyện Đan Phượng hỗ trợ về cây giống nhằm khuyến khích nông dân tham gia chuyển đổi từ các cây trồng khác sang trồng bưởi Diễn.
Nhiều vườn bưởi Diễn trồng theo dự án năm 2006 của huyện Đan Phượng đang bị bỏ hoang cho cỏ mọc um tùm |
Thực tế, hơn 100 ha bưởi Diễn được trồng tự phát trước đó khoảng 10 năm, vẫn đều đều cho thu hoạch hàng năm. Tại xã Thượng Mỗ, năm 1996, có 200 hộ nông dân đã tự phát đưa cây bưởi Diễn về trồng. Sau 3 năm, những vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm các hộ dân ở đây thu về vài trăm triệu đồng/ha.
Do đó, khi triển khai trồng theo quy hoạch, nông dân các xã thuộc dự án được phê duyệt đã tràn đầy hy vọng về cây bưởi Diễn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình mình. Bởi vậy, họ không quản ngại khó khăn, vất vả ngày ngày chăm bón những gốc bưởi Diễn. Nhưng, hy vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu, vì gần như 340 ha bưởi Diễn trồng theo dự án đã qua hơn 4 năm mà không cho quả. Nóng lòng vì nhiều năm, vườn bưởi lên xanh tốt nhưng không cho quả, từ cuối năm 2009, không ít nông dân đã bắt đầu chặt bỏ bưởi Diễn để thay thế bằng cây trồng khác như đu đủ, quýt…
Cuối tháng 5 này, có mặt trên cánh đồng trồng bưởi Diễn được trồng theo quy hoạch từ năm 2006 của xã Thượng Mỗ, chúng tôi nhận thấy, cây bưởi phát triển bình thường. Qua hơn 4 năm, cây đã khá to, cành lá xanh mướt nhưng rất khó tìm ra quả. Vì thế, không ít hộ dân đã bỏ vườn bưởi thành vườn hoang mặc cho cỏ dại mọc um tùm, hoặc cải tạo thành vườn tạp, với đủ các loại cây trồng xen kẽ như chuối, đu đủ….
Không ít hộ dân tại xã Thượng Mỗ (Đan Phượng) đã phá bỏ vườn bưởi Diễn trồng theo quy hoạch để chuyển sang trồng cây khác |
Theo anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Thượng Mỗ, được sự khuyến khích của UBND xã, năm 2006, gia đình anh đã chuyển đổi gần 3 sào ruộng cấy lúa sang trồng bưởi Diễn. Thông thường, nếu trồng bằng phương pháp chiết cành thì chỉ đến năm thứ 3 sẽ ra đợt quả đầu tiên. Nhưng đã hơn 4 năm, vườn bưởi nhà anh chẳng cho quả, vì thế cuối năm ngoái anh Thanh đã chặt bỏ toàn bộ bưởi Diễn để chuyển sang trồng rau, củ. Tương tự, không ít hộ trồng bưởi Diễn từ năm 2006 ở xã Thượng Mỗ cũng chặt bỏ bưởi Diễn để chuyển sang loại cây khác.
Theo phản ánh của nhiều người dân xã Thượng Mỗ, bưởi Diễn trồng hơn 4 năm chẳng thấy cho quả, dù năm nào hoa cũng ra rất sai, song đến lúc đậu quả thì rụng hết, không hiểu vì lý do gì? Trong khi đó, cùng trên 1 xứ đồng, diện tích bưởi Diễn của các hộ trồng hơn 10 năm trước đó vẫn đậu quả và cho thu hoạch.
Lý giải về vấn đề này, Phó trưởng phòng NN&PTNT Đan Phượng Nguyễn Hữu Tịnh cho biết, quá trình trồng, chăm sóc bưởi Diễn của các hộ dân theo đúng quy trình hướng dẫn của Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Hội làm vườn huyện Đan Phượng và có sự tư vấn của Viện nghiên cứu Rau quả Trung ương, nhưng không hiểu vì sao đến nay, hầu hết diện tích bưởi trồng theo quy hoạch vẫn chưa cho quả(?) Theo ông Tịnh, có lẽ do tác động của thời tiết, nhất là đợt ngập úng cuối tháng 10 đầu tháng 11-2008 nên bưởi không thể đậu quả. Nhưng khi được hỏi, tại sao diện tích bưởi được trồng trên địa bàn huyện cách đây hơn 10 năm vẫn đậu quả và cho thu hoạch, thì ông Tịnh ậm ừ: “Đúng là có đậu nhưng năng suất khôngđược bằng các năm trước”.
Ông Tịnh cũng xác nhận, một số xã trồng nhiều như Phương Đình, Thượng Mỗ, một số hộ dân đã bắt đầu chặt bỏ bưởi Diễn để chuyển sang trồng cây khác. Sau khi nhận được thông tin người dân chặt phá bưởi Diễn được trồng theo quy hoạch, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây có múi (Sở NN&PTNT Hà Nội) tập huấn kỹ thuật, động viên bà con tiếp tục duy trì, chăm sóc không nên chặt bỏ. Song, hy vọng của người dân về thu hoạch quả lại phải chờ đến năm sau, vì năm nay hoa sai nhưng không đậu quả.
Đã gần 5 năm, vườn bưởi trồng theo dự án không cho quả, không ít hộ lao đao vì thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng canh tác. Do đó, dù đã tham gia tập huấn kỹ thuật nhưng nhiều hộ vẫn tiếp tục chặt bỏ cây bưởi Diễn. Song, điều quan trọng, chặt bưởi rồi trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa thì họ lại chưa biết. Bởi thế, rất có thể nhiều hộ nông dân ở Đan Phượng lại đi vào “vết xe đổ” trồng rồi lại phải chặt bỏ, sau đó lại loay hoay đi tìm cây trồng khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.