Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, người khảo sát điều tra cùng Thanh tra Chính phủ về “Thực trạng một số vấn đề về tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục”, vừa công bố bản khảo sát tham nhũng trong ngành giáo dục với những con số khá “giật mình”. PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Tại, Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT về công bố này.
- Theo khảo sát của TS Nguyễn Văn Thắng, 60% phụ huynh sẵn sàng “lót tay” để xin cho con học trường trái tuyến, ông nhận định gì về tình trạng này?
- Hiện nay, việc “chạy chọt” xin học trái tuyến xảy ra tại nhiều nơi. Do chất lượng giáo dục, đào tạo và cung cấp dịch vụ giáo dục ở các cơ sở khác nhau, trong khi tâm lý phụ huynh luôn mong con em được học nơi có chất lượng tốt nhất. Phần khác do gia đình thay đổi chỗ ở, nơi bố mẹ công tác ở ngay cạnh cơ sở giáo dục, nhưng hộ khẩu thường trú lại ở địa bàn khác nên muốn cho con học gần nhà, gần cơ quan. Và thực tế là cậy nhờ người thân quen hoặc có địa vị để xin cho con học trái tuyến thì hiệu quả. Các bậc phụ huynh sẵn sàng “lót tay” để con học trái tuyến là sai vì tạo cơ hội cho tham nhũng xảy ra.
- Làm thế nào để giải quyết tình trạng này, thưa ông?
Để giảm thiểu tình trạng này, ngành giáo dục có nhiều biện pháp như tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên... để phụ huynh yên tâm khi cho con học bất cứ cơ sở giáo dục nào. Tiếp đó là thực hiện phân cấp quản lý giáo dục; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục; xây dựng và ban hành quy định về chuyển trường, chuyển lớp. Công khai chỉ tiêu, đối tượng, địa bàn tuyển sinh. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuyển sinh, tiếp nhận học sinh trái tuyến và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm quy định, có biểu hiện tiêu cực trong công tác trên.
- Bản khảo sát nêu: “66,2% phụ huynh khẳng định, chỉ học chương trình chính khóa không đủ nên phải cho con học thêm”. Theo ông, đó có phải do chất lượng giảng dạy chưa tốt hay thời gian học chính khoá chưa đủ?
- Có thể khẳng định, thời lượng chương trình chính khóa Bộ GD-ĐT quy định đã phù hợp với mục tiêu giáo dục cho từng cấp học. Nhiều học sinh không học thêm vẫn trở thành học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, đỗ thủ khoa ở các kỳ thi. Việc học thêm chủ yếu là do tâm lý của phụ huynh. Nhiều gia đình bắt con học thêm thật nhiều với mong muốn con sẽ khá hoặc giỏi thêm. Mặt khác, ở tiểu học cho con đi học thêm là một giải pháp quản lý con cho họ đi làm, khi nhà trường không có điều kiện chức tổ chức học 2 buổi/ngày.
Cũng phải thừa nhận, một số rất nhỏ là do học sinh học ở trường chưa đủ vì chất lượng của trường, vì điều kiện giáo viên dạy ở lớp đó, nên phụ huynh tìm thày, cô giỏi cho con học thêm.
- Ông có ý kiến như thế nào khi có nhiều phụ huynh sẵn sàng đầu tư để nhà trường khang trang, hiện đại hơn?
Đây là một tín hiệu tốt, phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục. Việc làm này đáng được tôn vinh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nhà trường huy động sự đóng góp của phụ huynh như thế nào, quản lý và sử dụng nó ra sao. Nếu sự đóng góp của phụ huynh là tự nguyện, không kèm theo điều kiện và không vụ lợi; các cơ sở giáo dục thực hiện công khai, minh bạch trong tiếp nhận và sử dụng nguồn đầu tư; không phân biệt đối xử với những học sinh mà phụ huynh không có điều kiện đóng góp thì việc này sẽ rất tốt.
- Hiện, nhiều trường công lập có chất lượng cao nhưng gặp khó khăn trong thu chi tài chính. Theo ông, Bộ GD-ĐT có nên cho họ chuyển sang hình thức tự chủ, tự chi trả không?
Ngành giáo dục đang thực hiện phân cấp mạnh, giao cho các cơ sở giáo dục tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Tuy nhiên, việc giao cho các cơ sở giáo dục công lập có chất lượng cao tự chủ hoàn toàn về tài chính để chi thường xuyên, tức là được thu học phí ở mức cao hơn, thuộc về chủ trương chính sách của nhà nước, riêng ngành giáo dục không quyết định được.
Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.