Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 14-11-2008, có hiệu lực từ ngày 1-1-2009, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo hiểm y tế. Đây cũng là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người, tương ứng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế; đồng thời, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, Luật quy định việc đăng ký cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu theo địa giới hành chính lại chưa tạo điều kiện để người dân có thể đến khám, chữa bệnh tại tất cả cơ sở thuộc tuyến tương đương hoặc thấp hơn trong nội tỉnh đối với một số bệnh. Trường hợp đặc thù như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo chưa được tự đi khám và điều trị ở tuyến trên, trong khi cơ sở tuyến dưới chưa có đủ năng lực chuyên môn và đều phải chuyển tuyến. Một số bệnh mãn tính chưa được đưa về y tế cơ sở để quản lý và cấp thuốc của tuyến trên, từ đó hạn chế quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến là những vấn đề gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin - cho để giữ bệnh nhân lại, không cho chuyển tuyến, gây bức xúc dư luận.
Theo lý giải của nhiều chuyên gia y tế, với điều kiện hiện nay không thể thông tuyến các cơ sở khám, chữa bệnh đến tuyến trung ương và không thể bỏ quy định về chuyển tuyến. Điều này sẽ gây quá tải, áp lực lên tuyến trung ương, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị người bệnh. Việc phân tuyến góp phần bảo đảm ổn định, cân đối và bền vững hệ thống khám, chữa bệnh.
Trước những ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Trong đó, dự thảo Luật đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... Quy định này được dư luận đánh giá cao, phù hợp với tinh thần cải cách tiến tới thẻ bảo hiểm y tế điện tử “phi địa giới”. Dự kiến dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ tám vào tháng 10 tới.
Để dự án Luật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cần quy định một số giải pháp nhằm thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám, chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân.
Trên tinh thần đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần xem xét, đề xuất quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện cụ thể, các trường hợp đặc thù được thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu để loại bỏ nguy cơ lạm dụng chính sách, tạo cơ chế xin - cho…
Việc sửa đổi quy định về khám, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 trên cơ sở giữ ổn định tỷ lệ hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của luật hiện hành. Đồng thời, bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, đồng thời tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Với định hướng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, việc rà soát kỹ lưỡng các đối tượng tham gia là hết sức cần thiết, bảo đảm công bằng, không bỏ sót đối tượng để vừa hạn chế việc trục lợi, vừa loại bỏ cơ chế xin - cho trong thực hiện bảo hiểm y tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.