Góc nhìn

Loại bỏ tận gốc cơ chế “xin - cho”

Đình Hiệp 03/03/2024 - 06:43

Năm 2023 vừa qua, các tòa án đã xét xử, tuyên thu hồi tiền và tài sản trị giá 1.859 tỷ đồng đối với 761 bị cáo trong 216 vụ án kinh tế, tham nhũng.

Trong đó nổi lên hàng loạt vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng thu hút sự chú ý của dư luận như vi phạm về đấu thầu tại Bệnh viện tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, đại án Công ty Việt Á...

Theo các chuyên gia, hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ án tham nhũng, kinh tế chủ yếu là hành vi “ẩn”, được che giấu bởi nhiều hình thức khác nhau. Đáng chú ý trong các vụ án, hành vi vi phạm của người có thẩm quyền trong các cơ quan quản lý nhà nước thường là lợi dụng “lỗ hổng” của pháp luật để thực hiện, trục lợi thông qua cơ chế “xin - cho”.

Bản chất của cơ chế “xin - cho” là đặc quyền, đặc lợi và tạo ra sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội. Vì vậy, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã đề ra một trong những giải pháp phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đó là: “Các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, cơ chế “duyệt - cấp”.

Mặc dù vậy, trên thực thế cơ chế “xin - cho” vẫn chưa được xóa bỏ mà tồn tại dưới nhiều hình thức khác tinh vi hơn. Đó chính là sự móc nối giữa một số cán bộ, công chức trong các cơ quan quyền lực nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân để hình thành lợi ích nhóm, tạo “sân sau” thông qua phương thức này. Nhiều vụ đại án tham nhũng đã và đang đưa ra xét xử, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, cùng với hàng chục quan chức, cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước, cán bộ ngân hàng... bị kỷ luật, xử lý hình sự thời gian qua, nguyên nhân một phần bắt nguồn từ việc quản lý, vận hành các hoạt động kinh tế - xã hội chưa thoát khỏi cơ chế “xin - cho”.

Trước những bất cập cũng như những hệ lụy do cơ chế “xin - cho” gây ra, kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án luật. Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh cần loại bỏ cơ chế “xin - cho” để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa sai phạm.

Để từng bước loại bỏ tận gốc cơ chế này, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải cắt giảm tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, không gây phiền hà, giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; từ đó khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Rõ ràng, xóa cơ chế “xin - cho” trong quản lý nhà nước là giải pháp quan trọng góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội. Kiểm soát quyền lực và phân cấp, phân quyền thực sự chính là những giải pháp phù hợp để từng bước loại bỏ cơ chế “xin - cho”. Do vậy, trong quá trình xây dựng thể chế, các cơ quan chức năng cần chú trọng đến nội dung này. Nếu quyền lực không được giám sát độc lập và thiếu sự công khai, minh bạch thì sẽ tạo điều kiện cho cái xấu nảy sinh.

Như người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Cứ để cơ chế “xin - cho” thì cứ phải báo cáo, giải trình liên tục. Vì “xin - cho” là cơ chế dễ tạo ra môi trường tiêu cực. Phải xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, tạo môi trường lành mạnh cho cán bộ dễ làm, không sợ sai, không sợ trách nhiệm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loại bỏ tận gốc cơ chế “xin - cho”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.