Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lo phòng bệnh khi trời lạnh

Thu Trang| 12/12/2018 06:52

(HNM) - Miền Bắc đang bước vào thời điểm nhiệt độ giảm mạnh. Giá rét khiến bệnh liên quan thời tiết gia tăng, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não (hay đột quỵ)…

Chăm sóc bệnh nhân cao tuổi bị đột quỵ. Ảnh: Khuê Diệp


Đột quỵ, viêm đường hô hấp… dễ tấn công

Chỉ trong mấy ngày trời rét đậm, Đơn vị can thiệp tim mạch (Bệnh viện Thanh Nhàn) đã tiếp nhận 5 ca nhồi máu cơ tim, trong đó 2 ca nặng, đe dọa tính mạng đã được can thiệp kịp thời. Điển hình, nam bệnh nhân 68 tuổi (ở Hà Nội), có tiền sử hút thuốc lào nhiều năm, nhập viện ngày 10-12 trong tình trạng đau ngực, khó thở… Kết quả xét nghiệm, điện tâm đồ phát hiện, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, men tim tăng. Các bác sĩ đã chỉ định chụp và can thiệp động mạch vành, đặt stent. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Tương tự, bà N.T.A. (60 tuổi ở phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bị huyết áp cao nhiều năm, vừa được các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện Thanh Nhàn) cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt nửa người. Kết quả thăm khám, chụp MSCT 128 dãy cho thấy, bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa M1, tình trạng cấp bách và nguy hiểm. Ngay lập tức, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc tiêu huyết khối. Sau khi tiêm thuốc một giờ, bệnh nhân có thể nhấc được tay lên. Sau một ngày, bệnh nhân dần hồi phục, đi lại được…

Bác sĩ Phạm Thị Trà Giang, Trưởng khoa Cấp cứu nội nhi, phụ trách Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết: Nhiệt độ giảm mạnh có thể khiến bệnh liên quan thời tiết gia tăng, đặc biệt là đột quỵ - tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Trung bình vào mùa lạnh các năm, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ tăng từ 15% đến 30%. Không chỉ các ca bệnh mới, những người có tiền sử tai biến cũng có nguy cơ tái phát cao hơn. “Theo cơ chế sinh học, dưới ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực lòng mạch. Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong và các biến chứng nặng nề”, bác sĩ Phạm Thị Trà Giang nói.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quân, chuyên ngành cấp cứu đột quỵ (Bệnh viện Thanh Nhàn) cũng lưu ý, trong thời điểm lạnh, nguy cơ đột quỵ thường tiềm ẩn ở người cao tuổi do lưu lượng máu qua não giảm. Thêm vào đó, chức năng cơ thể người già suy yếu nên khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết. Không chỉ người già mà người có tiền sử cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá... cũng rất dễ bị đột quỵ tấn công. Những đối tượng này cần đặc biệt lưu ý trong thời điểm thời tiết lạnh như hiện nay.

Theo thông tin tại Bệnh viện Nhi trung ương, lạnh đột ngột kèm mưa phùn gió bấc là điều kiện thuận lợi cho vi rút phát triển, gây nhiễm khuẩn đường hô hấp khiến trẻ đến khám vì viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi… tăng nhẹ - từ 10 đến 15%. Còn tại Khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba) trong những ngày thời tiết lạnh, số bệnh nhi đến khám và điều trị không tăng nhưng theo bác sĩ Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng khoa Nhi, do lạnh nên phụ huynh lười đưa con đi khám, cố đợi thời tiết ấm lên mới đến viện hoặc tự mua thuốc điều trị. Thông lệ, khi nhiệt độ tăng lên, số bệnh nhân nhập viện cũng tăng theo.

Tăng cường phương tiện cấp cứu, chống rét

Hà Nội đã lên phương án phòng trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh khi trời chuyển lạnh gia tăng.


Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ phương tiện phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh, nơi chờ khám bệnh, các buồng điều trị phải kín gió, có đủ chăn, đệm, lò sưởi… Bên cạnh đó, các bệnh viện phải bố trí đầy đủ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, phương tiện cấp cứu để kịp thời xử lý các trường hợp mắc các bệnh đột ngột do cảm lạnh, viêm đường hô hấp cấp, các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ… Trường hợp người bệnh phải chuyển tuyến, cần giữ ấm trong quá trình vận chuyển, đặc biệt là trẻ em, trẻ sơ sinh và người già.

Ngay trong đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông này, Ban Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba đã yêu cầu các khoa, phòng tăng cường sử dụng điều hòa nóng, đèn, quạt sưởi và cung cấp đầy đủ chăn, đệm cho người bệnh, tránh để người bệnh phàn nàn về việc bị rét khi điều trị tại bệnh viện. Các bác sĩ khi khám và điều trị cũng lưu ý đến bệnh nhân, nhất là trẻ em, người cao tuổi và những trường hợp tăng huyết áp cách phòng chống rét, nguy cơ đột quỵ do trời lạnh cũng như kiểm soát tốt huyết áp.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo: Mỗi người dân cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ cả về lượng và chất. Nên ăn nhiều hoa quả, cân đối các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh… Riêng với trẻ nhỏ, cần giữ ấm nhưng cũng không nên mặc quá kín dễ gây ngạt, tốt nhất là không mặc quá 4 lớp quần áo. Ngoài ra, cần vệ sinh (cơ thể và môi trường sống) thường xuyên. Khi phát hiện dấu hiệu bệnh, cha mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng kháng sinh mà nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ khám, tư vấn và kê đơn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lo phòng bệnh khi trời lạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.