Từ ngày 1 đến 4-9-2024, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt triển khai 319 điểm tiêm vắc xin phòng bệnh sởi khắp thành phố. Đây là một trong những nỗ lực dập tắt dịch sởi lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố.
319 điểm tiêm vắc xin phòng bệnh sởi được bố trí trải đều tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Cùng với các điểm tiêm tại các trạm y tế cấp xã, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh còn bố trí các điểm tiêm vắc xin phòng bệnh sởi tại các Bệnh viện Nhi Đồng.
Đối tượng tiêm đợt này tại các trạm y tế cấp xã trên toàn thành phố là trẻ từ 1 đến 5 tuổi, không bao gồm trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao. Những trẻ trong nhóm nguy cơ cao sẽ được tiếp nhận, khám và tiêm vắc xin tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 từ nay đến hết ngày 6-9.
Như Báo Hànộimới đã đưa tin, chiến dịch Tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi thành phố Hồ Chí Minh đã đồng loạt triển khai từ ngày 31-8, đồng bộ từ ngày 1-9 và kéo dài suốt kỳ nghỉ lễ (đến ngày 4-9). Có 9 điểm tiêm chủng tại các quận Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh được ngành Y tế chú trọng giám sát, bởi đây là những điểm nóng về dịch sởi, có tỷ lệ tiêm vắc xin chưa cao do tình trạng di biến động dân cư.
Chị Nguyễn Thị Mộng Nghi, ngụ tại phường An Lạc, quận Bình Tân, chia sẻ: "Gia đình tôi đã được cộng tác viên y tế cơ sở thông báo về lịch tiêm vắc xin. Gia đình tôi đưa cháu đến trạm y tế để tiêm mũi 2 phòng bệnh sởi, mong cho bé có miễn dịch đầy đủ".
Bác sĩ Hồ Đức Việt, Trưởng Trạm Y tế phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, cho biết: "Trạm Y tế sẽ lập tổ tiêm cố định tại trạm đến hết ngày 4-9, bảo đảm tất cả trẻ được tiêm ngừa khi phụ huynh đưa con đến. Theo thống kê, tại phường hiện có khoảng 150 trẻ chưa được tiêm mũi Sởi 1 và mũi Sởi 2, sẽ được tiêm hết trong đợt này."
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, khi bệnh sởi bắt đầu có dấu hiệu gia tăng từ đầu tháng 6-2024, bệnh viện đã kích hoạt kế hoạch chống dịch được ban hành từ đầu năm.
Tính từ đầu năm 2024, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận và điều trị cho 368 bệnh nhi mắc bệnh sởi. Trong đó, gần 2/3 trường hợp đến từ các tỉnh phía Nam, 24,5% có bệnh nền và hơn 50% dưới 12 tháng tuổi. Đặc biệt, có 42 bệnh nhi (11,4%) có biến chứng nặng phải nằm hồi sức và 84,6% bệnh nhi nặng chưa được tiêm vắc xin sởi. Tuy nhiên, với cách tiếp cận hợp lý, kế hoạch rõ ràng và nỗ lực của toàn thể nhân viên bệnh viện, các bệnh nhi đã được điều trị hiệu quả và không có trường hợp nào tử vong.
Đáng chú ý, trong suốt thời gian qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã bảo vệ nhóm bệnh nhi mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch, ung thư… trước nguy cơ mắc bệnh sởi khi các trẻ này tiếp xúc với nguồn lây bằng cách truyền IVIG để tạo miễn dịch tạm thời cho các cháu, trong thời gian chờ bệnh ổn định để tiêm ngừa vắc xin. Với cách làm này, nhiều bệnh nhi mắc bệnh mạn tính có sức đề kháng yếu đã “thoát khỏi” bệnh sởi một cách ngoạn mục.
Đặc biệt, việc hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới và thường xuyên giao ban qua hệ thống Telehealth giữa Bệnh viện Nhi Đồng 1 với gần 300 điểm cầu đã được triển khai từ nhiều năm nay. Nhờ vậy, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã kịp thời cập nhật tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam, từ đó có kế hoạch hỗ trợ, ứng phó một cách chủ động và kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.