Luận đàm thời sự

Lộ nghĩ hay... thầm tính?

Đại sứ Trần Đức Mậu 01/03/2024 - 06:47

Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, không loại trừ khả năng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa quân đến Ukraine để sát cánh và giúp quân đội Ukraine chiến đấu với quân đội Nga.

Sau đó đến lượt Thủ tướng Slovakia Robert Fico xác nhận là một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) và NATO đã suy tính đến việc đưa quân đội đến tham chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều thành viên NATO khác, trong đó có Mỹ và Đức cũng như Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg bác bỏ việc triển khai quân đội NATO ở Ukraine.

Dù vậy, đây là lần đầu tiên từ phía NATO có những đề cập xa gần tới khả năng đưa quân đội NATO đến Ukraine, tức là tới kịch bản chiến tranh trực tiếp giữa quân đội Nga và binh lính NATO ở Ukraine. Kể cả thời thù địch nhau khi xưa lẫn hiện tại, Nga và NATO chưa lần nào đụng độ quân sự trực tiếp với nhau.

Ông Macron và ông Fico ám chỉ khả năng hình thành tình thế và cục diện an ninh mới ở châu Âu mà nếu trở thành hiện thực thì chưa biết rồi cuối cùng bên nào sẽ thắng. Nhưng chắc chắn, việc này sẽ là thảm họa về mọi phương diện đối với châu Âu. Đó sẽ là cuộc chiến tranh nhấn chìm toàn bộ châu Âu và không loại trừ việc vũ khí hạt nhân cũng được sử dụng.

Thực tế, xưa nay NATO luôn chú ý đến việc không sa vào chiến tranh trực tiếp với Nga, càng không để cho thế giới bên ngoài cảm nhận thấy rằng NATO chủ động gây chiến với Nga. Nga đang chiến tranh với Ukraine nên NATO hay bất cứ thành viên NATO nào hoặc nước thứ ba nào trên thế giới đưa quân đội đến Ukraine trực tiếp tham chiến sẽ đều bị Nga coi là tuyên chiến với Nga, tuyên chiến với một nước có vũ khí hạt nhân như Nga.

Chắc chắn sẽ không có chuyện NATO đưa quân đội đến Ukraine dưới danh nghĩa chung của liên minh quân sự vì Ukraine chưa phải là thành viên chính thức của NATO.

NATO luôn tự nhận là "liên minh phòng thủ" nên nếu muốn chiến tranh với Nga thì chỉ khi có thành viên NATO bị Nga tấn công hoặc NATO phải sửa đổi hiệp ước thành lập NATO. Cho nên kịch bản dễ có thể xảy ra hơn là có thành viên NATO nào đấy đưa quân đội đến Ukraine theo thỏa thuận song phương với Ukraine. Ở tình huống này sẽ là chiến tranh giữa Nga với những nước thành viên kia, trước hết ở Ukraine nhưng sau đấy không loại trừ cả ở trên lãnh thổ của những thành viên NATO đó.

Theo hiệp ước hiện tại, NATO có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho những thành viên bị bên ngoài tấn công. Các thành viên NATO vì chủ động gây chiến với Nga mà bị Nga tấn công khó có thể nhờ cậy NATO bảo đảm an ninh, không thể tự gây chiến với Nga để rồi kéo cả NATO vào chiến tranh với Nga.

NATO hay thành viên nào đấy của NATO dẫu có suy tính đến việc đưa quân vào Ukraine cũng không thể và không dám nói ra. Có thể hiểu, ông Emmanuel Macron đặt ra vấn đề trên cũng vì muốn thể hiện việc luôn đi đầu trong cả suy nghĩ lẫn hành động về hậu thuẫn Ukraine.

Còn trên thực tế, khó có khả năng Pháp đưa quân đến Ukraine vì chiến tranh giữa Nga với Pháp sẽ là chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân ở châu Âu. Thế nên từ lời nói đến hành động trong chuyện này là vấn đề không đơn giản.

Cũng có thể thấy, việc đưa quân đội đến tham chiến ở Ukraine nếu xảy ra sẽ là bước đường cùng của NATO trong việc thực hiện mục tiêu không để cho Nga thắng ở Ukraine. Và điều này cũng cho thấy NATO hiện phải bi quan như thế nào về triển vọng Ukraine thắng Nga trên chiến trường nên mới cả thầm tính lẫn lộ nghĩ về việc trực tiếp tham chiến ở Ukraine.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lộ nghĩ hay... thầm tính?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.