Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lo ngại vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Thùy Linh| 24/09/2011 06:25

(HNM) - Kết quả thanh tra các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho thấy, có tới 81,6% cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).


Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Phạm Kim Bình cho biết, 6 tháng đầu năm, kiểm tra 105 cơ sở thì có đến 85 cơ sở vi phạm (chiếm 81,6%). Các vi phạm biểu hiện từ khâu nguyên liệu cho đến tận bàn ăn… Đáng lo là không chỉ các cơ sở không được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ATVSTP vi phạm, mà cả các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn cũng vi phạm (74 cơ sở vi phạm trên tổng số 94 cơ sở được kiểm tra).


ATVSTP là nỗi lo của người tiêu dùng, nhất là người nghèo. Ảnh: Đặng Loan

Chất lượng nguyên liệu là đáng lo ngại nhất, hàng loạt vụ thực phẩm bị phát hiện quá hạn sử dụng, không đạt vệ sinh, hư hỏng, mốc... Giữa tháng 9-2011, Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP kiểm tra tại quận Tân Phú phát hiện kho hàng đông lạnh của một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Tân Bình chứa gần 15 tấn thịt động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như hạn sử dụng. Không những thế, toàn bộ số thịt này đã biến chất, chuyển màu đen, may mà chưa được tiêu thụ. Thanh tra Sở Y tế cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã tịch thu, tiêu hủy gần 600kg trứng gia cầm, thịt lợn, bò, dê, mì, bún… không bảo đảm chất lượng. Việc hàng loạt vụ sử dụng dầu thực vật phế thải tái chế để chế biến thực phẩm đã bị Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (cơ quan đại diện phía Nam - C49B) phát hiện và xử lý, hàng loạt vụ sản xuất thực phẩm gần nhà vệ sinh, sử dụng phụ gia độc hại, rau, củ, quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, thủy sản nhiễm kháng sinh, hóa chất diệt nấm mốc… càng khiến người tiêu dùng thêm lo lắng.

Chính vì chất lượng thực phẩm không bảo đảm nên các vụ ngộ độc tập thể đã liên tục xảy ra. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 5 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra trên địa bàn TP, trong đó có 3 vụ ngộ độc lớn (hơn 30 người).

Nhiều lỗ hổng trong quản lý

TP Hồ Chí Minh hiện có gần 50 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong khi đó, theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, công tác kiểm tra giám sát chất lượng ATVSTP còn tồn tại nhiều lỗ hổng quá lớn, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Có thể dễ dàng nhận thấy điều này qua số liệu thanh, kiểm tra. Năm 2010, Đoàn thanh tra Sở Y tế kiểm tra, phát hiện có đến 81% cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể vi phạm, trong khi thanh tra quận, huyện chỉ phát hiện được 13,7%. Tương tự, 6 tháng đầu năm nay, Thanh tra Sở phát hiện 81% cơ sở vi phạm thì thanh tra quận, huyện chỉ phát hiện 38,8% (!?). Bên cạnh đó, việc thanh, kiểm tra theo đợt thường có thông báo trước khiến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm càng dễ đối phó.

Theo Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP, Chủ tịch Hội Hóa học TP, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP Hồ Chí Minh - một trong những mối lo ngại hiện nay chính là nguồn thực phẩm hầu hết phải nhập từ các chợ đầu mối, do hoạt động sản xuất của TP chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu tiêu thụ. Đáng lo là hoạt động kiểm soát ATVSTP từ cửa ngõ TP chưa được chặt chẽ, nhất là đối với rau, củ, quả và thịt động vật. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này hiện vẫn chồng chéo, khó quy trách nhiệm cụ thể. Việc kiểm tra chất lượng hàng hóa gặp nhiều hạn chế do thiếu phòng thí nghiệm có năng lực, trong khi việc xã hội hóa công tác phân tích, kiểm nghiệm cho các đơn vị ngoài chức năng (trường, viện nghiên cứu…) mới ở giai đoạn đầu...

Có thể thấy, muốn giải quyết "bài toán" ATVSTP phải có những biện pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là NTD phải biết tự bảo vệ bằng cách cẩn trọng lựa chọn thực phẩm sử dụng hằng ngày.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lo ngại vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.