(HNM) - Từ ngày 1-12-2015, việc sử dụng xăng phối trộn 5% ethanol (xăng E5) chính thức được triển khai trên toàn quốc theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu phải có tối thiểu 50% số lượng cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình có bán xăng E5.
Thông tin từ các địa phương được chỉ đạo đẩy mạnh tiêu thụ xăng E5 thời gian qua cho thấy, việc triển khai trên thực tế đang gặp không ít khó khăn. Cụ thể: 2 nhà máy là nguồn cung ứng chính lượng ethanol để pha chế xăng E5 đều đang "sống dở chết dở", sản xuất cầm chừng do giá nguyên liệu cao, biến động theo thời vụ, nguồn vốn để đầu tư mua nguyên liệu lớn do một năm chỉ có một vụ sắn trong khi lãi vay ngân hàng cao. Điều đó dẫn tới giá ethanol sản xuất trong nước cao hơn các nước láng giềng, đẩy giá xăng E5 lên cao. Trong khi đó, các đại lý, chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu cho biết, xăng E5 hao hụt lớn; chi phí đầu tư, chuyển đổi, vệ sinh bồn bể, trụ bơm… khá tốn kém nhưng lợi nhuận thu về không cao nên họ không mặn mà với mặt hàng này. Rõ nhất là tại TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn triển khai thí điểm vừa qua, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu, nhất là của tư nhân không tha thiết với việc bán xăng E5. Hiện tại, số lượng cửa hàng bán xăng E5 trên địa bàn đã giảm từ 50% xuống còn 30%.
Xăng E5 nói riêng và nhiên liệu sinh học (NLSH) nói chung thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm. Các nghiên cứu khoa học cũng khẳng định, sử dụng xăng E5, E10 không gây hại cho động cơ. NLSH không chỉ được các nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới như Mỹ, Đức, Nhật Bản ưu tiên phát triển, hiện nay, Thái Lan mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10 triệu lít xăng E10 (10% ethanol) và khẳng định sẽ sử dụng E10 và B10 (10% diesel sinh học) trong thời gian tới… Điều đó cho thấy, Việt Nam đã "đi sau" nhiều quốc gia trong việc phát triển, sử dụng NLSH. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng dù muốn sử dụng xăng E5 cũng không biết mua ở đâu vì hoạt động truyền thông dường như "án binh bất động", ngay cả ở thời điểm hiện tại. Tại các cửa hàng xăng dầu lớn ở Hà Nội, người tiêu dùng không hề thấy có trưng biển hiệu tuyên truyền cho xăng E5 để khách hàng biết và lựa chọn.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết họ đã nhiều lần kiến nghị về việc sản xuất, tiêu thụ xăng E5 từ giai đoạn trước khi thí điểm, tức là cả năm trước nhưng chưa có kiến nghị nào được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết rốt ráo. Trong khi đó, kế hoạch bán xăng sinh học đại trà từ 1-12-2015 đã có từ nhiều năm trước, thế nhưng nhiều nguồn tin cho biết, đến thời điểm hiện tại, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vẫn đang phối hợp với Bộ Công thương xây dựng phương án giá cơ sở trên tinh thần khuyến khích doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng NLSH. Hoặc, để "làm gương" trong việc sử dụng xăng E5, Chính phủ cũng chưa đưa ra quy định bắt buộc hàng chục nghìn xe công vụ phải dùng xăng E5... Chính sự chậm trễ này, cùng với giá bán xăng E5 không có ưu đãi so với xăng thông thường khiến nhiều người lo ngại nguy cơ "chết yểu" của một quyết sách đúng dần hiện hữu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.