(HNM) - Tại Hội thảo về công tác phòng, chống bệnh sởi diễn ra chiều 15-11 do Sở Y tế Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Hiện thành phố đã ghi nhận 63 ca sởi (tăng 61 ca so với năm 2016).
Tốc độ lây lan nhanh
Nếu như những tháng đầu năm 2017 chỉ ghi nhận 1-2 ca sởi/tháng thì từ tháng 9-2017 đến nay, trung bình mỗi tháng ghi nhận hơn 10 ca mắc. Theo điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, khoảng 48% trẻ mắc sởi có đến khám hoặc điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang…
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) cảnh báo, từ đầu năm đến nay, tại đây tiếp nhận hơn 80 ca sởi, trong đó Hà Nội có 30 ca.
Bệnh viện cũng đã ghi nhận những ca biến chứng, trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm phòng cũng mắc sởi. Mặc dù phần lớn bệnh nhân sởi có thể tự khỏi, tuy nhiên sau khi mắc bệnh, khả năng miễn dịch bị suy giảm nặng, từ đó tạo cơ hội cho nhiều bệnh khác dễ dàng xâm nhập, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Ở người lớn mắc sởi, biến chứng do suy giảm miễn dịch cũng nặng nề không kém ở trẻ em.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bài học từ hậu quả nghiêm trọng của dịch bệnh sởi năm 2014 cho thấy, công tác phòng, chống phải chủ động, quyết liệt ngay từ bây giờ, không để dịch sởi quay trở lại. Với bệnh sởi không có người lành mang trùng, chỉ là người bệnh lây sang người bệnh. “Tốc độ lây lan của sởi nhanh và mạnh hơn nhiều so với sốt xuất huyết. Chỉ cần người bệnh ho, hắt hơi là bệnh sẽ phát tán ra xung quanh. Do vậy, ngay từ bây giờ, tại các cơ sở y tế cần tổ chức cách ly ngay cả những ca nghi ngờ, những ca sốt phát ban dạng sởi…” - PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Tiêm vét tất cả trẻ dưới 5 tuổi
Bà Lê Hoàng Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết, cả 5 trường hợp mắc sởi trên địa bàn đều chưa được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi. Quận đang tiến hành rà soát đối tượng trẻ dưới 5 tuổi để tiến hành tiêm vét. Tuy nhiên, việc khai thác tiền sử tiêm chủng gặp nhiều khó khăn do hệ thống quản lý chưa được đồng bộ giữa tiêm chủng dịch vụ và chương trình tiêm chủng mở rộng, rồi tình trạng di dân trên địa bàn cao. Thậm chí, nhiều người dân lo lắng tai biến trong tiêm chủng nên từ chối tiêm tại các trạm y tế phường, từ chối cung cấp tiền sử tiêm chủng của trẻ…
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, chỉ có tiêm chủng đầy đủ mới giải quyết dứt điểm được bệnh sởi. Do vậy, Hà Nội cần đẩy mạnh việc rà soát đối tượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng để tiến hành tiêm vét và việc rà soát phải được tiến hành cả ở những cơ sở nuôi trẻ mồ côi, cơ sở từ thiện… “Đối với những trường hợp bất hợp tác, có thể lập danh sách riêng gửi lên chính quyền địa phương để tìm cách giải quyết” - PGS.TS Trần Đắc Phu gợi ý.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện ưu tiên nguồn lực cho công tác tiêm chủng. Hiện Hà Nội đã tăng tần suất tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế từ 1 lần lên 4 lần/tháng, trải đều trong các tuần để phòng trừ trường hợp trẻ đến lịch nhưng phải hoãn vì ốm sẽ được tiêm bổ sung.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như: Giám sát việc phân luồng, cách ly tại bệnh viện, giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại địa phương, tuyên truyền đến người dân biện pháp phòng bệnh…, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.