Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lo đối ngoại, đối nội

Minh Quang| 25/02/2015 06:52

(HNM) - Khi SEA Games 28 không có cử tạ trong chương trình thi đấu, cử tạ Hà Nội giờ chỉ còn lo tập trung luyện


Qua bài sát hạch đầu tiên của buổi giao thời

Cử tạ Hà Nội hơn một năm qua luôn trong buổi giao thời. Bà Hoàng Kim Cúc - Chủ nhiệm bộ môn, người có công lớn gây dựng cử tạ Hà Nội như hiện nay đã nghỉ hưu. Người thay thế bà là chị Dương Thị Ngọc, từng là lứa học trò đầu tiên của bà Hoàng Kim Cúc. Chị Dương Thị Ngọc là người có nhiều thành tích tại các giải quốc gia, quốc tế.

Gương mặt nữ sáng giá nhất của cử tạ Hà Nội Nguyễn Thị Thúy.



Với tân Chủ nhiệm bộ môn cử tạ Hà Nội Dương Thị Ngọc, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII chính là thử thách lớn nhất. Lúc này, lực lượng nam của Hà Nội không còn mạnh như 4 năm trước, trong khi lực lượng nữ cũng gặp cạnh tranh đáng kể từ các CLB. 4 năm trước đó, cử tạ Hà Nội từng giành tới 20 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc. Lần Đại hội TDTT toàn quốc 2014, chỉ tiêu 12 HCV được đặt ra với bộ môn khiến những người trong cuộc coi là khó. Cuối cùng, cử tạ Hà Nội vẫn vượt qua được chỉ tiêu với 13 tấm HCV. Nhiều người đã nói rằng, coi như tân Chủ nhiệm bộ môn Dương Thị Ngọc đã vượt qua kỳ sát hạch đầu tiên. Vấn đề sẽ là duy trì vị thế tại các giải quốc nội cũng như Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 như thế nào.

Chủ nhiệm bộ môn cử tạ Dương Thị Ngọc cho rằng: "Thành tích tại Đại hội TDTT toàn quốc là sự kế thừa những gì mà cô Hoàng Kim Cúc đã gây dựng từ các năm trước. Còn bây giờ, chúng tôi vẫn sẽ kế thừa và xây dựng lực lượng ổn định để bảo đảm các em không bỏ ngang khi đang ở đỉnh cao phong độ, qua đó duy trì được vị trí trong nhóm đầu tại Giải vô địch quốc gia cũng như Đại hội TDTT toàn quốc. Thực tế, Hà Nội luôn dồi dào lực lượng và có các HLV giàu trình độ. Quan trọng nhất vẫn là giữ được các VĐV!". Nói thế để thấy việc đối nội (thi đấu các giải trong nước) vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của cử tạ Hà Nội.

Đi tìm vé dự Olympic

Cử tạ Hà Nội dưới thời Chủ nhiệm bộ môn Hoàng Kim Cúc đã gặt hái nhiều thành công trên đấu trường quốc tế, trong đó đáng kể là 2 tấm HCV SEA Games năm 1997 của lực sĩ Nguyễn Quốc Thanh và năm 2007 của lực sĩ Nguyễn Phương Loan. Ngoài ra, vào năm 2012, lực sĩ Nguyễn Thị Thúy cũng giành quyền tham dự Olympic 2012. Tiếc là năm đó, Nguyễn Thị Thúy lại nhận được thông báo giành quyền tham dự Olympic chỉ 1 tháng trước ngày khai mạc. Từng ấy thời gian không đủ để lực sĩ nữ số 1 Việt Nam ở thời điểm đó chuẩn bị tốt nhất cho một kỳ đại hội thể thao lớn nhất thế giới.

Chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2016, nếu cử tạ nam đặt hy vọng giành vé vào các lực sĩ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thì cử tạ nữ lại hầu như trông vào các lực sĩ Hà Nội. Hiện tại, 2 gương mặt nữ sáng giá nhất của cử tạ Hà Nội gồm Nguyễn Thị Thúy và Vương Thị Huyền thì cả hai không phải là quá trẻ, đều đã qua tuổi 20. Thành tích gần đây của cả hai đều được đánh giá là tiệm cận nhóm đầu thế giới, trong đó đáng chú ý là thành tích của Vương Thị Huyền (hạng 48kg). Hiện tại Vương Thị Huyền vẫn là ẩn số và việc cô có bật được lên để đáp ứng nhiệm vụ hay không lại là câu chuyện khác. Điều đó còn phụ thuộc nỗ lực, ý chí của lực sĩ này và sự đầu tư từ Tổng cục TDTT và ngành thể thao Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lo đối ngoại, đối nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.